Một nữ phóng viên của tờ Krone Zeitung đã thử sống mà không sử dụng đồ nhựa trong 7 ngày liên tiếp, đánh răng bằng bàn chải làm từ tre, thay sữa tắm và dầu gội trong hộp nhựa bằng xà phòng bánh, mang giỏ đi chợ và chỉ mua thực phẩm không gói bọc trong nylon, mua sữa chua đóng trong lọ thuỷ tinh… Sau 1 tuần, cô này kết luận có thể sống bình thường mà không dùng tới đồ nhựa nhưng phải tổ chức lại cuộc sống theo một cách khác.
Một phụ nữ tại nước Anh còn đặt ra thử thách cao hơn, là không mua thêm bất cứ đồ dùng nào có dính tới nhựa nữa trong năm 2018 này, tất nhiên là cũng tẩy chay mọi thực phẩm đóng trong túi nylon. EADT Suffolk, một tờ báo Anh kể lại rằng cuộc sống của cô này phức tạp hơn nhiều. Ví như muốn tránh café đóng trong túi nylon, cô phải mang lọ thuỷ tinh theo để mua café rời. Nhưng rồi cô này cũng đã trụ được gần hết năm, sắp vượt qua thử thách.
Đó là một số ví dụ có vẻ cực đoan. Nhưng quả thực là ý thức hạn chế dùng đồ nhựa đang tạo ra ở châu Âu một xu hướng tiêu dùng mới và xu hướng này đang phát triển rất nhanh.
Tờ Marianne ra tại Pháp nhắc lại là hồi mới cách đây có hơn 50 năm, phát minh ra đồ dùng bằng nhựa đã góp phần cải thiện chất lượng sống của con người ra sao. Một vật liệu rẻ tiền, dễ chế tác, đã tạo ra biết bao nhiêu sản phẩm tiện dụng! Nhưng vật liệu đó lại không dễ tiêu hủy, rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải. Các phân tử nhựa nhỏ li ti nhiễm vào chuỗi thực phẩm và từ đó nhiễm vào cơ thể con người. Hiện nay, ngành công nghiệp và thương mại châu Âu đang phải cố chạy theo xu hướng tiêu dùng mới là tẩy chay đồ nhựa.
Tại Cộng hòa Czech, một số siêu thị đã tổ chức gian hàng thực phẩm không dùng đồ nhựa để gói bọc, một cách bán hàng mới mẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới nổi. Tờ báo MF DNES của nước này kể lại là có vô số vấn đề nảy sinh. Không dùng nylon bảo quản, một số loại rau củ hỏng nhanh hơn, dùng túi giấy thay cho túi nylon không phải lúc nào cũng khả dĩ. Vậy là để giảm nylon, các daonh nghiệp phải tổ chức lại hoàn toàn từ khâu sản xuất cho tới lúc bán hàng. Ngành công nghiệp và các siêu thị cần có thêm nhiều thời gian nữa mới có thể đáp ứng.
Còn lúc này, ở châu Âu, hầu như bây giờ ai đi chợ cũng mang theo một vài túi vải, có hình dạng nhỏ gọn nhưng tiện lợi và bền, có thể giặt khi bị bẩn. Đó là cách tốt nhất để giảm rác thải nylon.
Trong các siêu thị của Bỉ, từ lâu đã không còn túi nylon dùng một lần mà thay vào đó là túi giấy hoặc túi màng mỏng làm từ bột ngô. Các siêu thị có bán túi đi chợ cũng là nylon nhưng là loại bền chắc dùng được lâu.
Rau quả gói bọc trong nylon vẫn còn nhưng giảm nhiều, cạnh đó thường là mặt hàng như thế nhưng không đóng gói. Người tiêu dùng được khuyến khích thay vì chọn quả dưa chuột bọc trong màng nylon, hay cà chua đóng trong hộp nhựa, họ nên mua dưa chuột, cà chua rời.
Mặc dù vẫn có những người chọn rau quả bọc màng nylon, vì thực tế, bọc nylon giúp giữ rau củ được tươi lâu hơn. Nhưng xu hướng đang là ngày càng có nhiều hàng rời chứ không gói nylon.
Về mặt luật pháp, hiện nay, châu Âu đang có những quy định để hạn chế rác thải nylon. Nghị viện châu Âu đã biểu quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần, từ ngày 1/1/2021, trong đó, bao gồm cả túi nylon và màng mỏng bọc thực phẩm.
Các doanh nghiệp có 2 năm để thay thế toàn bộ nylon bằng chất liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Trong khi chờ cách thức khác bảo quản và vận chuyển thực phẩm, cách thông thường hiện nay vẫn là khuyến khích người tiêu dùng tự mang túi, mua hàng rời.
Tuy nhiên, có một trở ngại nhỏ là các siêu thị thực phẩm luôn phải giữ vệ sinh, trong khi đó, người tiêu dùng mang túi vải từ bên ngoài vào sẽ có rủi ro nhiễm khuẩn từ túi của khách hàng vào thực phẩm trong siêu thị. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp châu Âu đang phải tìm giải pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!