Chùa Thanh Lương được xây bằng đá san hô.
Một ngày cuối năm 2004, tại Hòn Dứa nằm ở vùng biển trước làng Mỹ Quang, một pho tượng Quan Thế Âm dạt vào đây. Pho tượng nhuộm màu thời gian và mang những dấu tích của biển cả. Với những người quanh năm ở nơi đầu sóng ngọn gió, những gì đến từ biển cả bao giờ cũng linh thiêng.
Tượng được thỉnh về tôn trí tại chùa Thanh Lương, đem đến cho ngôi chùa này sắc thái văn hóa miền biển. Theo ước đoán, pho tượng đã có cách đây hơn 100 năm. Điểm độc đáo, tượng Bồ Tát Quan Âm này không có đôi tay. Nhưng cũng vì thế lại gợi mở bao điều suy ngẫm..
Pho tượng Bồ Tát Quan Âm không tay dạt vào vùng biển trước làng Mỹ Quang.
Cùng với pho tượng đến từ biển cả, không gian chùa Thanh Lương với mọi du khách đúng nghĩa là nơi hiện hữu những sắc màu làng biển. Ngôi chùa làm bằng đá san hô. Và rồi, những du khách mỗi khi chạm tay vào như lại được quay về với làng biển ngày xưa.
Theo lời kể của những người làng Mỹ Quang, bờ rào trước đây của nhiều gia đình trong làng làm bằng đá san hô. Sau này, người dân gỡ bỏ những tường rào và đá san hô được gom về đây làm nên ngôi chùa này. Chất liệu đá san hô đã giúp ngôi chùa mát hơn về mùa hè, ấm hơn về mùa đông . Nhưng trên cả chúng đã mang lại cho chốn thiền môn vẻ đẹp của cuộc sống làng biển.
Những bức tường làm từ đá san hô của chùa Thanh Lương.
Mùa mưa bão, dường như ai cũng mong muốn tìm về chốn bình yên. Và một nơi như thế, chính là đây, ngôi chùa ở làng biển Mỹ Quang. Đến nơi này, không chỉ là đến với không gian tâm tưởng mà còn để hiểu hơn về văn hóa biển, về ước nguyện ngàn đời của người làng biển. Đó là giữ được bình yên trong giông bão....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!