Apple Car: Giấc mơ vẫn xa vời...

VnReview-Chủ nhật, ngày 31/05/2015 17:00 GMT+7

Mẫu thiết kế thử của "iCar"

VTV.vn - Triết lý "Đột phá là biết nói không với 1.000 thứ" của Steve Jobs có thể cũng là lý do chính khiến cho Apple không bước chân vào thị trường TV và xe hơi.

Trong tuần qua, tờ Wall Street Journal cho đăng tải câu chuyện về vòng đời quá ngắn ngủi của chiếc TV HD đầu tiên mang thương hiệu Apple. Theo tờ báo này, Apple đã dành gần một thập niên nghiên cứu và thậm chí đã tạo ra rất nhiều sản phẩm TV mẫu trước khi buộc phải từ bỏ ý tưởng này. Lý do khiến cho Apple quyết định khai tử chiếc "iTV" là rất đơn giản: trong khi Quả Táo vẫn hoàn toàn có thể ra mắt một chiếc TV của riêng mình, sức cạnh tranh của TV gắn mác Apple vẫn sẽ là quá nhỏ bé so với tình trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường TV.

Thực tế, câu chuyện về chiếc TV của Apple là không có gì xa lạ. Đã không ít lần Apple (và cả các công ty khác) bỏ thời gian, tiền bạc để nghiên cứu ra mắt một phân khúc sản phẩm mới và rồi cuối cùng kết luận rằng ý tưởng này là hoàn toàn không khả thi. Steve Jobs đã có lần từng nói: "Tôi tự hào về những thứ mà chúng tôi không làm không kém gì những thứ tôi đã làm. Đột phá là biết nói không với 1000 thứ".

Ấy vậy mà người ta vẫn còn mơ về những chiếc xe hơi Apple như thể Tim Cook và đồng sự sẽ sớm ra mắt những chiếc xe này trong nay mai. Người ta quên mất rằng Apple sẽ luôn liên tục nghiên cứu các ý tưởng mới, và phần lớn trong số các ý tưởng này sẽ mãi mãi chỉ là… ý tưởng, bởi Apple không phải là thánh, không thể thành công ở mọi lĩnh vực.

Khoảng cách giữa quá trình nghiên cứu, phát triển và quá trình sản xuất hàng loạt sẽ luôn là rất lớn. Đi tìm tòi ý tưởng cho một sản phẩm mới không có nghĩa rằng ý tưởng đó chắc chắn sẽ góp mặt trên sản phẩm thực tế. Điều này áp dụng với cả các sản phẩm đã trở thành hiện thực như iPhone, iPad và Apple Watch.

Dĩ nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng Apple đã thành lập các đội nghiên cứu riêng cho TV và xe hơi. Song, sẽ là không có gì khó hiểu nếu như Tim Cook cùng đồng sự từng "đánh tiếng" tới các đối tác về công nghệ động cơ, công nghệ pin cỡ lớn… Trong những năm vừa qua, chi phí dành cho Nghiên cứu & Phát triển của Apple cũng đã tăng lên đáng kể.

Tuy vậy, có một điều duy nhất không hề thay đổi về Apple: công ty do Steve Jobs sáng lập sẽ chỉ đặt chân vào một thị trường mới nếu như Apple có thể mang lại một yếu tố mới mẻ có thể thay đổi toàn bộ cục diện của thị trường hiện tại.

Khi nhìn lại câu chuyện về iMac, iPhone, iPad, MacBook Air và cả Apple Watch, bạn sẽ thấy luận điểm này là hoàn toàn đúng đắn. Thị trường smartphone 2007 ngập tràn các sản phẩm xấu xí, khó sử dụng đến từ Nokia và BlackBerry. Khi ra mắt, Apple tạo ra một thị trường mới dành cho người tiêu dùng phổ thông với những chiếc smartphone màn hình lớn, thiết kế đẹp và giao diện dễ sử dụng. Hoặc, mới chỉ 2 năm trước, khi cả những tên tuổi mới nổi như Pebble và Martian cùng các nhà sản xuất lớn như Samsung và Motorola cùng tham gia vào sản xuất smartwatch, Apple vẫn "bình chân như vại". Rồi, đến tháng 9/2014, khi các đối thủ vẫn loay hoay tìm lời giải cho câu hỏi "smartwatch thì mang lại giá trị gì cho người dùng smartphone", Apple ra mắt chiếc Watch với triết lý "đồng hồ thông minh sẽ giúp bạn bớt tốn thời gian vô ích vào điện thoại".

Với các thị trường TV và xe hơi, câu hỏi "tạo ra điều gì mới" không dễ trả lời như vậy.

Thử lấy ví dụ về TV: Sony, Samsung và LG đã và đang làm mới các sản phẩm TV với tốc độ chóng mặt. Các đột phá như 3D, độ phân giải siêu cao, màn hình cong, các ứng dụng Internet nhúng liên tiếp ra mắt. Chỗ trống để Apple đưa ra các sáng tạo đột phá là gần như không tồn tại.

Dĩ nhiên, Apple vẫn có thể ra mắt một chiếc TV có thể làm vừa lòng người dùng, song sự thiếu hụt về các tính năng khác biệt sẽ khiến Apple phải gục ngã trước hàng chục năm kinh nghiệm của các đối thủ châu Á. Trên thị trường xe hơi, mức độ cạnh tranh khốc liệt là tương tự: các công ty xe hơi hạng sang như Audi, BMW và Porsche liên tiếp cho ra mắt các sản phẩm tuyệt vời xét trên cả khía cạnh thiết kế lẫn công nghệ. Công nghệ xe tự lái cũng không còn là một khái niệm viễn tưởng. Nói cách khác, ngành công nghiệp xe hơi của năm 2015 không mở rộng cửa đón Apple vào thực hiện cách mạng giống như thị trường smartphone của năm 2007.

Đáng nói hơn, một tên tuổi khác đã xuất hiện để trở thành "Apple của xe hơi": Tesla. Trong bối cảnh các mối lo ngại về chi phí nhiên liệu trở nên vô cùng gay gắt, Tesla theo đuổi thiết kế pin sạc trên xe hơi một cách nghiêm túc. Các ý tưởng trạm sạc nằm rải rác khắp nước Mỹ hay các trạm thay pin dành cho xe hơi Tesla giúp đánh bại lo ngại rằng ô tô chạy điện có thể bị hết pin khi đang đi trên đường.

Trên khía cạnh trải nghiệm sử dụng, chiếc Model S của Tesla là một chiếc máy tính cao cấp với đầy đủ các tính năng như camera, giải trí đa phương tiện, Google Maps và gọi thoại không dây. Các fan của Apple chắc chắn sẽ sử dụng các cụm từ như "đột phá", "thay đổi" khi mơ tưởng về chiếc "Apple Car" của tương lai. Song, một khi suy nghĩ thật kỹ về những "đột phá" này, bạn sẽ thấy thực chất "Apple Car" trong mơ chính là Model S của hiện tại. Apple có thể sẽ mua lại Tesla, nhưng đó lại là một kịch bản hoàn toàn khác biệt – một kịch bản mà Steve Jobs hay bất kỳ "truyền nhân" nào của ông (Tim Cook, Jony Ive) không phải là người đã thay đổi cục diện thị trường, chưa kể Elon Musk là mẫu người có lòng tự tôn rất cao và với ông thì Tesla... "không phải để bán" dù Apple có trả giá cao thế nào đi chăng nữa.

Hiển nhiên, trước khi iPhone ra mắt, ngoài Steve Jobs và các nhân tài tại Apple, không một ai có thể tưởng tượng ra một thế giới tràn ngập smartphone màn hình lớn như ngày hôm nay. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta cũng chưa thể vội khẳng định chắc chắn 100% rằng, Apple sẽ không ra mắt TV và cũng sẽ không ra mắt xe hơi. Song, có một thực tế rất hiển nhiên rằng Apple không phải là một công ty gồm toàn các… pháp sư tài năng có thể đánh bại các định luật về vật lý (và kinh tế). Những chiếc iPhone, iPad, iMac là thành quả hàng năm trời nghiên cứu, thử nghiệm.

Nhưng, đôi khi, cho dù đã bỏ ra hàng năm trời nghiên cứu và hàng chục triệu đô la kinh phí, các nhà thiết kế tại Apple cũng sẽ phải đi đến kết luận rằng có những bài toán không thể có lời giải (hoặc không nên đi tìm lời giải). Steve Jobs luôn đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các sản phẩm gắn mác Appkle, nhưng đối với TV và xe hơi, các tiêu chuẩn này lại là do Samsung, LG và Tesla đặt ra. Xét tới tình cảnh hiện tại của 2 thị trường truyền thống này, có lẽ Tim Cook và Jony Ive vẫn nên tiếp tục gắn bó với smartphone, tablet và PC mà thôi!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước