Câu chuyện nóng nhất tuần qua chính là vụ hệ thống khách sạn hạng sang Marriott thừa nhận đã để rò rỉ dữ liệu của 500 triệu tài khoản khách hàng.
Nửa tỷ khách hàng bị lộ thông tin cá nhân thuộc diện thông tin nhạy cảm, có thể gây thiệt hại tài chính. Còn về phía hệ thống Marriott, tới thời điểm này, cổ phiếu của tập đoàn này vẫn giảm mạnh gần 6%, gần như thấp nhất trong 1 năm qua. Chuỗi khách sạn bị tin tặc nhắm tới lần này là lớn nhất thế giới với toàn những thương hiệu khách sạn nổi tiếng.
Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp và những kẻ chuyên ăn trộm thông tin có vẻ chưa bao giờ kết thúc. Dường như cứ mỗi ngày lại có một tập đoàn hay công ty nào đó cho biết họ đã trở thành nạn nhân của tin tặc.
Không thể không nhắc tới Facebook khi người khổng lồ mạng xã hội cũng là miếng mồi khổng lồ cho tin tặc. 3 tháng trước, 50 triệu tài khoản Facebook báo cáo rằng họ đã bị hacker cướp sạch thông tin cá nhân. 360 triệu tài khoản trang mạng xã hội MySpace cũng đã lọt vào tay tin tặc, cả tên và mật khẩu.
Lộ một vài đoạn tin nhắn riêng tư, một vài bức ảnh cá nhân đã đủ phiền toái nhưng sẽ nguy hiểm hơn nữa nếu những thông tin bị lộ lại có thể dẫn thẳng đến túi tiền của bạn. Năm 2017, khoảng hơn 200.000 người Mỹ đã bị lộ số thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng bị rút trộm tiền sau khi công ty tài chính Equifax bị tin tặc tấn công.
Còn vụ việc của Marriott, theo một số chuyên gia, đây là vụ lộ thông tin lớn thứ 2 lịch sử, nhưng về tác hại có thể là nghiêm trọng nhất. Bởi không chỉ dừng ở cấp độ những thông tin cá nhân cơ bản mà còn cả số hộ chiếu. Khi thông tin quan trọng này bị lấy cắp, xem như danh tính sẽ lộ hoàn toàn. Lúc đó, bất kỳ ai cũng có thể giả mạo thành bạn.
Vụ rò rỉ của khách sạn Marriott có tác hại nghiêm trọng. Rất nhiều các khách hàng làm thủ tục check in tại một loạt các khách sạn thuộc hệ thống chuỗi Starwood bây giờ hẳn sẽ muốn kiểm tra lại xem mình có nằm trong số nửa tỷ người bị ăn trộm thông tin không. Sheraton, Westin, St. Regis hay Meridien là những khách sạn bị ảnh hưởng. Những khách hàng đã ở đây từ năm 2014 cũng không thoát.
Marriott cũng không biết là những kẻ xấu có thể dùng thẻ tín dụng của khách để moi tiền hay không. Có vẻ như bây giờ, chỉ có tin tặc là kiểm soát được tình hình. Mỗi thông tin được bán đi với giá 0,5-1 USD. Thị trường mua bán dữ liệu cũng đang hoạt động. Tên tuổi địa chỉ của những khách hàng này có thể đang bị đem ra bán đấu giá trực tuyến mà chính họ cũng không hay biết.
Với hệ thống cho vay tín dụng như ở Mỹ, mọi việc có thể sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn có được đánh giá tín dụng tốt hay có chút tiền trong tài khoản, những kẻ xấu có thể sẽ muốn giả mạo bạn để vay tiền ngân hàng mua nhà, sau đó, cuỗm luôn số tiền đó rồi bỏ trốn.
Lại một lần nữa, vụ việc lần này phải mất vài tháng mới được công bố cho quần chúng. Marriott đã phát hiện ra vụ rò rỉ này từ 3 tháng trước. Dự đoán là tập đoàn Marriott có thể sẽ bị giới chức phạt nặng, hội đồng quản trị của Marriott cũng sẽ phải đối mặt với các vụ kiện nếu khách hàng muốn kiện.
Càng gần cuối năm những vụ việc như thế này càng đáng báo động hơn bởi đây là thời điểm mọi người mua sắm trước mùa Giáng sinh, năm mới, đi du lịch nên cũng là thời cơ để tin tặc nhắm tới các tập đoàn, doanh nghiệp.
Lời khuyên từ các chuyên gia sau vụ rò rỉ mới nhất là hãy thường xuyên kiểm tra hoạt động trong tài khoản ngân hàng của mình hoặc đổi mật khẩu email. Lý do bởi các tập đoàn lớn, dù cửa đóng then cài cỡ nào cũng vẫn có thể bị tin tặc đột nhập nên trước mắt hãy nên tự bảo vệ mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!