Bộ KH&CN tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo

Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 04/10/2018 14:24 GMT+7

VTV.vn - Trong Quý III/2018, Bộ KH&CN tiếp tục thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã tập trung xây dựng các chính sách, pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; triển khai các công việc nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ các ngành kinh tế, phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị.

Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nhìn lại một số công việc trọng tâm đã triển khai trong quý III/2018, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công "Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018" - Industry 4.0 Summit 2018 ngày 13/7/2018 với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về cách mạng công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 với chủ đề "Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam". Các Hội thảo trong Chương trình đã tập trung trao đổi về các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 trong các ngành, lĩnh vực, tạo diễn đàn để các nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực giới thiệu về các nghiên cứu, thành tựu đạt được và xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, đề xuất ứng dụng cho Việt Nam.

Bộ KH&CN tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo

Bộ KH&CN đã làm việc với các bộ, ngành để đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, Bộ KH&CN đã xây dựng khung Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển và ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn…).

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo

Bộ KH&CN trong quý III/2018 cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Diễn đàn mở với chủ đề: "ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018).

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học".

Việt Nam nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa

Ngày 25/9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ, đã tổ chức công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vaccine cúm tại Việt Nam. Theo đó, IVAC đã nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vaccine cúm đại dịch A/H5N1.

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của IVAC dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của quốc tế: WHO, PATH, BARDA-Hoa kỳ.

Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vaccine trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vaccine Cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người. Năm 2005, Đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi" do Bộ KH&CN giao Viện Pasteur TP.HCM chủ trì đã khởi động việc nghiên cứu sản xuất vaccine cúm ở Việt Nam.

Từ năm 2010 đến nay, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ đã tài trợ kinh phí thông qua tổ chức PATH hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ IVAC sản xuất vaccine cúm đạt chuẩn WHO-GMP, thử nghiệm lâm sàng (TNLS), nâng cao năng lực quản lý chất lượng (QMS), hoạt động cảnh giác Dược (PV).

Từ năm 2014, trong khuôn khổ Chương trình sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN và Bộ Y tế đã tiếp tục hỗ trợ Dự án "Hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất vaccine cúm mùa ở qui mô công nghiệp", đến nay nhiệm vụ đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Hai loại vaccine cúm A/H5N1(IVACFLU-A/H5N1) và vaccine cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng quy định của Bộ Y tế, có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập Quốc tế; được các Hội đồng đạo đức cơ sở và Hội đồng đạo đức Quốc gia nghiệm thu; Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm lâm sàng, đang hoàn thiện khâu đăng ký lưu hành để đưa sản phẩm ra phục vụ cộng đồng.

Bộ KH&CN tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại họp báo.

Ngoài ra, trong quý III/2018 đã diễn ra Lễ khánh thành công trình xây dựng "Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh" với sự tham dự của Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hạng mục đầu tiên thuộc dự án đầu tư "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh" được Bộ KH&CN đầu tư trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Kon Tum.

"Báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và tiến độ giải quyết tồn đọng của các kỳ trước thuộc phạm vi và thẩm quyền giải quyết của Bộ Khoa học và Công nghệ: Các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã được Bộ Khoa học và Công nghệ gửi công văn trả lời đầy đủ và đúng thời hạn yêu cầu. Đối với các kiến nghị còn tồn đọng từ các kỳ trước cũng đã được Bộ ưu tiên tập trung giải quyết. Theo đó, đã có 8/11 kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm và cung cấp thông tin đầy đủ tới cử tri; 03 kiến nghị còn lại Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện để ban hành văn bản trong thời gian sớm nhất", Thứ trưởng Bùi Thế Duy cung cấp thông tin.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết thêm: "Bộ còn tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam về kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXV và Hội thảo khoa học 'KH&CN thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long'".

“Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, có thể chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước” “Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, có thể chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước” Cơ hội cho các DN Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Cơ hội cho các DN Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0? Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước