Vấn đề về quản lý mạng xã hội cũng như thông tin trên mạng xã hội là một trong những nội dung được đề cập đến trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn ngày 17/11.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Người dân Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội nước ngoài như Facebook". Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng: "Facebook, Google hiện đang trở thành các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn nhất trên toàn cầu và đang có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực. Đây không chỉ là vấn đề riêng với Chính phủ Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam đều có tham vọng, kế hoạch để xây dựng thương hiệu, cạnh tranh với Facebook, Google".
Đề cập về thực trạng phát triển mạng xã hội riêng ở quốc gia, ông Trương Minh Tuấn cho biết: "Hiện nay trên thế giới cũng chỉ có một số quốc gia xây dựng được mạng xã hội chiếm ưu thế trong nước so với Facebook, Google như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Liên bang Nga đang có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet. Còn ở Việt Nam, từ năm 2008 đã có một số trang tìm kiếm như Bamboo được kỳ vọng là có thể thay thế được các trang mạng của nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động và phát triển được 2 năm, Bamboo đã đóng cửa".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
Từ thực tế đó, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh đến việc cần thiết của quá trình thí điểm, triển khai một số cơ chế, chính sách với điều kiện là ưu tiên đồng bộ cả tài chính, thuế và giảm bớt các thủ tục hành chính, đặc biệt là chính sách ưu tiên để quản lý thông tin, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển. Qua đó, Việt Nam mới có thể hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh của chính mình.
"Lúc ấy, chúng ta mới có cơ sở tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam có thể cho ra đời các sản phẩm thay thế được Youtube, Facebook trong khoảng 5-7 năm tới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội trong nước, nhà quảng cáo trong nước và nhà phát triển nội dung trong nước", ông Trương Minh Tuấn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vấn đề còn nằm ở thói quen trong việc sử dụng, tương tác của người dùng thông qua các mạng xã hội này. Người dùng cần nhận thức rõ bên cạnh những tiện ích, tác hại của mạng xã hội cũng không nhỏ như có cả thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!