Bộ TT&TT: Phát triển kinh tế số, quan trọng nhất là ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông-Thứ sáu, ngày 02/02/2024 14:37 GMT+7

(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn, phải gắn phát triển của mình với sứ mệnh quốc gia và làm chủ công nghệ.

Ngày 30/1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức gặp mặt lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Đất nước biết ơn các doanh nghiệp vì họ tạo ra của cải, họ tạo ra công việc, họ làm cho đất nước hưng thịnh, họ làm rạng danh đất nước, họ làm ra vũ khí bảo vệ Tổ quốc".

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp với hàng nghìn người, giá trị hàng trăm triệu USD thì doanh nghiệp ấy không còn là của mình nữa. Làm doanh nghiệp khi ấy không phải vì mình nữa. Trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều. Và nếu không vì một cái gì đó lớn hơn thì cũng không đủ năng lượng để dẫn một doanh nghiệp lớn như vậy đi tiếp.

Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp cũng khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn chính là một phép thử, cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp. Khó khăn làm cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn các vấn đề ở tầng dưới. Xử lý được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, lúc đang tốt là lúc phải mở những hướng đi mới, là lúc chuẩn bị cho khó khăn, không nên bỏ phí những lúc khó khăn này bởi khó khăn, khủng hoảng là cách mà xã hội phát triển.

"Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp hãy phát triển gắn với sứ mệnh quốc gia, dân tộc, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình: "Những doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc, phải có giấc mơ lớn, phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước, giúp cho đất nước lớn mạnh, hưng thịnh và đặc biệt, làm chủ những công nghệ hiện đại nhất để chế tạo ra vũ khí, chế tạo ra "nỏ thần" bảo vệ Tổ quốc. Quốc gia hưng thịnh mà không tự bảo vệ được thì sự hưng thịnh đó là xây trên cát".

Chủ đề năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là "Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động". Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành.

Bộ TT&TT: Phát triển kinh tế số, quan trọng nhất là ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành - Ảnh 1.

(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

"Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số . Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số rất chậm" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Vietnam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.

Bộ TT&TT: Phát triển kinh tế số, quan trọng nhất là ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành - Ảnh 2.

(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động thì nay, lời giải cho vấn đề chính là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Doanh nghiệp công nghệ số làm ra các ứng dụng số công nghiệp cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước