Thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết: Trong tháng 5/2019, hệ thống theo dõi và cảnh báo của trung tâm đã phát hiện 739 sự cố tấn công mạng gồm 289 vụ Phishing (tấn công sử dụng website, email lừa đảo), 425 vụ Deface (tấn công thay đổi giao diện) và 25 Malware (phát tán mã độc); trong số đó có 7 trường hợp trang thông tin điện tử (website) có tên miền ".gov" bị ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu, 5 loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất trong tháng 5/2019 gồm: Tấn công thu thập thông tin; vi phạm chính sách an toàn thông tin; tấn công leo thang đặc quyền; tấn công từ chối dịch vụ và tấn công liên quan đến mã độc.
Qua theo dõi, trích xuất thông tin từ hệ thống kỹ thuật thời gian qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang thông tin điện tử (web) của Việt Nam (bao gồm cả những trang web sử dụng dịch vụ máy chủ nước ngoài) bị tấn công. Tin tặc lợi dụng các trang này để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin như: Phát tán thư rác; tấn công từ chối dịch vụ; cài đặt và phát tán các loại mã độc; lưu trữ các mã khai thác điểm yếu lỗ hổng tự động như lỗ hổng trên trình duyệt hay các thành phần mở rộng của trình duyệt mà người dùng sử dụng…
Để nâng cao ý thức cho các đơn vị về việc đảm bảo an toàn anh ninh thông tin mạng, thời gian Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã thực hiện nhiều lượt cảnh báo, yêu cầu xử lý sự cố và hỗ trợ xử lý sự cố cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong tháng 5/2019, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã phát hiện và gửi 28 thư điện tử (email) cảnh báo yêu cầu đơn vị xử lý sự cố còn tồn tại và hỗ trợ xử lý sự cố cho các đơn vị có yêu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!