AiFoam là một loại hợp chất cao phân tử có tính đàn hồi cao, được tạo ra bằng cách pha trộn hợp chất cao phân tử fluoropolymer với một hỗn hợp giúp làm giảm độ căng bề mặt.
Theo các chuyên gia từ Đại học quốc gia Singapore, loại vật liệu này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển robot và các thiết bị giả các bộ phận cơ thể.
AiFoam được tạo ra bởi một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Benjamin Tee (bên trái) đứng đầu (Ảnh: Đại học quốc gia Singapore)
Để tạo cảm giác tiếp xúc giống con người, các nhà nghiên cứu đã bơm vào chất liệu này các hạt kim loại siêu nhỏ và bổ sung các điện cực nhỏ bên dưới bề mặt của lớp bọt. Khi có lực tác động, các hạt kim loại sẽ tiến sát lại với nhau, làm thay đổi các đặc trưng điện. Những thay đổi này sẽ được phát hiện bởi các điện cực nối với 1 máy tính và máy tính sẽ ra lệnh cho robot cần làm gì.
Theo các chuyên gia, tính năng này giúp các bàn tay robot có thể không chỉ định lượng mà còn xác định được cả hướng của lực tác động, giúp robot nhận diện và tương tác tốt hơn.
AiFoam là loại bọt đầu tiên kết hợp cả đặc tính tự chữa lành và cảm ứng lực và khoảng cách. Nhóm nghiên cứu hy vọng vật liệu này sẽ được đưa vào ứng dụng trong vòng 5 năm tới, giúp cải thiện những trải nghiệm sử dụng các cánh tay robot trong cầm nắm đồ vật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!