Với mục tiêu là đến năm 2020, phải xây dựng được một trung tâm dữ liệu chung cho các quận huyện, không có cách nào khác, TP HCM phải để tâm hơn tới việc ứng dụng và nâng cấp công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, nhất là khi cho đến nay TP chỉ mới có 46 dịch vụ công ở mức độ 4- là mức độ cao nhất cho phép người dân hoàn toàn có thể làm và nhận kết quả trực tuyến so với 1.700 dịch vụ công ở mức 2, mức độ vừa phải làm trực tuyến, vừa phải đến tận nơi. Với mức độ 2 còn khá nhiều như hiện nay, TP.HCM chưa thể được xem là chính quyền điện tử thật sự trong khi đây lại là bước đệm quan trọng để thành phố tiến tới đô thị thông minh.
Hãy hình dung, TP.HCM khi bước vào kỷ nguyên của chính quyền điện tử. Khi đó, mỗi người dân sẽ có một thẻ công dân điện tử, sử dụng mã định danh duy nhất tổng hợp các thông tin cá nhân để giao dịch với chính quyền thay vì phải photo nhiều loại giấy tờ tùy thân và thực hiện các thủ tục trên giấy phức tạp. Cũng nhờ chính quyền điện tử, người dân và các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 với hệ thống một cửa điện tử liên thông, kết nối dữ liệu dùng chung cho các sở ban ngành, đảm bảo quy trình làm việc xuyên suốt. Điều này có nghĩa là người dân hay doanh nghiệp chỉ cần tương tác với chính quyền qua một đầu duy nhất cho mọi nhu cầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!