Một trào lưu với tên gọi "Deep fry water" (nước chiên giòn) đang được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội TikTok. Nhiều người dùng đã chia sẻ những đoạn video, trong đó sử dụng một loại phụ gia thực phẩm có tên Canxi Alginate thả vào trong một ca nước và khuấy đều. Việc này sẽ giúp tạo ra một màng mỏng bên ngoài nước, giống như một giọt nước được đông cứng. Sau đó phủ bột chiên giòn bên ngoài giọt nước này và thả vào chảo dầu sôi. Kết quả sẽ tạo ra một giọt nước chiên giòn, trông giống như chiếc bánh rán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà khoa học, đây là một hành động nguy hiểm và dại dột, thậm chí có thể dẫn đến tai nạn chết người.
Giọt nước nhúng vào trong chảo dầu sôi có thể gây nên một vụ nổ nghiêm trọng, khiến dầu nóng văng ra khắp nơi.
Theo tiến sĩ Christopher Cramer, thành viên của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, nếu lớp màng Canxi Alginate bị vỡ và nước rò rỉ vào dầu nóng đang sôi, có thể tạo nên một vụ nổ và gây thương tích nghiêm trọng cho những người xung quanh.
"Đây là một trào lưu vô nghĩa, mất trí và tự sát", tiến sĩ Christopher Cramer bình luận. "Đừng bao giờ thực hiện nó!".
Theo tiến sĩ Cramer, nhiệt độ sôi của nước chỉ là 100 độ C, trong khi nhiệt độ của chảo dầu sôi cao hơn 100 độ C rất nhiều. Nếu nước đột ngột xuất hiện trong chảo dầu sôi sẽ tạo ra một vụ nổ, khiến dầu sôi văng ra ngoài và rất nguy hiểm. Vụ nổ không chỉ gây nguy hiểm cho những người xung quanh mà còn có thể khiến ngọn lửa bùng lên nếu sử dụng bếp ga, gây ra những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Tiến sĩ Cramer cho biết, đây cũng là lý do không nên bỏ thức ăn đông lạnh với hàm lượng nước cao vào trong dầu sôi và vì sao phải sử dụng bình chữa cháy chứa các loại hóa chất chuyên dụng để dập đám cháy do dầu nấu ăn, thay vì sử dụng nước.
Công thức để thực hiện món "nước chiên giòn" do một đầu bếp người Mỹ mang tên Jonathan Marcus sáng tạo ra vào năm 2016, nhưng khi đó, Marcus cho biết anh không có ý định lan truyền công thức này, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một cách chế biến nguy hiểm và "là món chiên nhạt nhẽo nhất mà tôi từng thực hiện".
"Nếu nước bị rò rỉ ra ngoài trong khi đang chiên giòn quả cầu nước, nó có thể phát nổ khiến dầu văng khắp nơi", Marcus nhấn mạnh về công thức chế biến món "nước chiên giòn" do mình sáng chế. "Nó không có mùi vị gì đặc biệt, đừng thử thực hiện nó nếu bạn không muốn bị bỏng".
Video về cách thức chế biến món "nước chiên giòn" đã được Marcus chia sẻ trên YouTube từ năm 2016, nhưng không hiểu vì sao lại trở nên phổ biến và tạo nên một trào lưu trên mạng xã hội TikTok trong thời gian gần đây. Có vẻ như việc biến nước thành một món ăn chiên giòn đã khiến nhiều người tò mò và kích thích họ thực hiện theo, mà không lường trước những mối nguy hiểm có thể gặp phải trong khi chế biến.
May mắn là đến nay vẫn chưa có trường hợp tai nạn đáng tiếc nào liên quan đến trào lưu "nước chiên giòn" được ghi nhận.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những trò đùa mạo hiểm và được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, bao gồm cả Facebook lẫn TikTok. Các trò đùa mạo hiểm thường được nhiều người dùng trẻ tuổi, chủ yếu trong lứa tuổi vị thành niên, hưởng ứng bất chấp những nguy hại có thể xảy ra cho chính bản thân mình.
Cách đây không lâu, một trò đùa có tên gọi "thử thách đồng xu" cũng đã được chia sẻ nhanh chóng trên TikTok khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, những người tham gia thử thách này sẽ cắm củ sạc smartphone vào ổ cắm, rồi sử dụng một đồng xu thả vào khoảng hở giữa củ sạc và ổ cắm điện. Khi đó, đồng xu sẽ tiếp xúc với phần chân cắm bằng kim loại bị hở ra và gây nên hiện tượng tóe lửa do đoản mạch. Những người tham gia thử thách sẽ quay lại video về sự việc rồi chia sẻ lên TikTok.
Hay thử thách có tên gọi "Skullbreaker" (Thử thách "Vỡ hộp sọ") cũng đã được lan truyền nhanh chóng và "gây sốt" trên mạng xã hội TikTok. Những ai tham gia thử thách sẽ đứng thành nhóm 3 người thẳng hàng theo chiều ngang, 2 người đứng ở 2 bên sẽ lừa người đứng giữa nhảy lên, sau đó sẽ đá mạnh vào hai chân của người đứng giữa khi họ vẫn đang ở trên không khiến người này bị ngã ngửa ra sau. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp bị thương khi thực hiện thử thách "Skullbreaker". Thậm chí, có ít nhất một trường hợp đã tử vong vì trò đùa này; đó là nữ sinh 16 tuổi người Brazil bị ngã và chấn thương sọ não.
Sở dĩ mạng xã hội TikTok thường là nơi bắt nguồn và lan truyền những trò đùa nguy hiểm vì đây là mạng xã hội nhắm đến giới trẻ, là lứa tuổi thường thích thực hiện những trò đùa mạo hiểm mà không nghĩ tới hậu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!