CMC đề xuất phương án chuyển đổi số với Thủ tướng Chính phủ

P.V-Thứ hai, ngày 08/08/2022 21:48 GMT+7

Toàn cảnh phiên họp

VTV.vn - “Xây dựng mô hình đại học số giúp giải quyết bài toán chuyển đổi số nhanh hơn” là một trong những đề xuất của Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính.

Sáng nay (8/8) tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ Ba về chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022, xác định nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc.

Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

“Phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban đã có báo cáo chi tiết kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2022 và đưa ra 2 phương án đề xuất định hướng trọng tâm cho năm 2023. 

Đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc họp, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đã nêu ý kiến ủng hộ phương án 2: Đưa hoạt động của doanh nghiệp lên môi trường số cũng như phát triển kinh tố số bằng các nền tảng số Việt Nam. Theo hướng này, các cơ quan nhà nước tập trung rà soát tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, đưa hoạt động lên môi trường số, sản xuất, kinh doanh trên môi trường số. Người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số do doanh nghiệp cung cấp.

Ông Nguyễn Trung Chính cũng đã đưa ra đề xuất phương hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thứ nhất, để giải quyết bài toán chuyển đổi số nhanh hơn và chất lượng hơn việc xây dựng mô hình thí điểm rất quan trọng. “Tập đoàn CMC chúng tôi đã xây dựng luôn mô hình trường đại học số sẽ giải quyết được luôn bài toán chuyển đổi số nhanh hơn và chất lượng được tốt hơn”, Ông Chính cho biết. “Cũng nên bổ sung các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và thí điểm, nên có cả đại học nhỏ, đại học lớn mới dễ làm. Xin lưu ý danh sách hiện nay của chúng ta chưa có đại học tư thục.”, ông Chính bổ sung.

CMC đề xuất phương án chuyển đổi số với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất phương hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số chiếm tỷ lệ rất thấp, nên cần có sự kết hợp giữa Bộ TT&TT, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cùng các doanh nghiệp để cải thiện thực trạng này. “Nếu việc kết hợp giữa năm đơn vị, tổ chức này được thực hiện tốt thì tôi tin rằng kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số năm 2023 sẽ tăng lên 50%. CMC luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp tổ chức với nền tảng C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise- Hệ sinh thái hạ tầng mở cho Doanh nghiệp & Tổ chức) – một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC”, ông Chính nhấn mạnh. 

Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain.... Các doanh nghiệp cần luôn sẵn sàng hợp lực, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

“Với kinh nghiệm trong chuyển đổi số, tôi đề xuất chúng ta cần chuyển đổi số theo tinh thần toàn dân toàn diện, triển khai ngay dịch vụ công cấp độ 4, thúc đẩy mô hình văn phòng không giấy tờ - paperless, để đẩy tỉ lệ hồ sơ trực tuyến phấn đấu đưa tỷ lệ dịch vụ công có điều kiện lên 100%.” - Ông Nguyễn Trung Chính phát biểu.

Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề: chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Tại Phiên họp, ngoài đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới; Ủy ban cũng công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước