Cơ chế bảo mật an ninh mạng tại Việt Nam còn lỏng lẻo

Lại Hoa - Khánh Huyền - Giang Hải - Diệu Trang-Thứ hai, ngày 08/09/2014 15:08 GMT+7

Dù không gây ảnh hưởng lớn nhưng cuộc tấn công hàng trăm website lần này cũng cho thấy cơ chế bảo mật an ninh mạng của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá lỏng lẻo.

Dư luận đang xôn xao về thông tin do một website của thành viên Hiệp hội an toàn thông tin phát đi cho rằng đã có tới hơn 700 website của Việt Nam bị tin tặc nước ngoài tấn công trong dịp nghỉ lễ, trong đó có cả một số trang web của các cơ quan thuộc chính phủ có đuôi .gov.vn.

Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên VTV ngay trong sáng nay (8/9), mức độ tác động của đợt tấn công này không hoàn toàn như lời đồn thổi của cộng đồng mạng.

Những website của các công ty có tên tuổi như Bitecoland.vn, Saigonskyseck.com… cùng hàng trăm trang web của các doanh nghiệp khác nhau đã bị tin tặc nước ngoài tấn công trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, trong đó có gần 40 website trong lĩnh vực giáo dục, có 8 website thuộc chính phủ, có “đuôi” gov...

Nguồn tin từ Bộ Thông tin Truyền thông và công ty an ninh mạng BKAV cho biết, chỉ có khoảng 450 website bị tấn công, làm tê liệt đợt này, ít hơn nhiều so với số lượng mà cộng đồng mạng đang đồn thổi. BKAV cho biết, tin tặc đã khai thác lỗ hổng cũ trong hệ thống bảo mật tương tự như vụ tấn công vào hơn 200 website hồi tháng 5 vừa qua. Lần này, số lượng trang web bị tấn công tăng so với ngày thường nhưng số máy chủ bị tấn công không tăng do nhiều website là bị ảnh hưởng dây chuyền do cùng nằm trên một máy chủ chứ không phải bị tấn công trực tiếp.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Công ty An ninh mạng BKAV nói: “Phần lớn trong số này là các website nhỏ, có mức độ an ninh yếu. Số lượng website tuy nhiều nhưng chỉ nằm trên khoảng 80 server vật lý khác nhau, do vậy khi một website bị tấn công, các website khác trên cùng server đó cũng bị ảnh hưởng. Trung bình, số server bị tấn công trong các ngày này cũng tương đương như các ngày bình thường (khoảng trên 20 server/ngày).

Điều đáng mừng là trong sáng nay, khi phóng viên VTV liên hệ với khoảng 10 doanh nghiệp, tất cả đều cho biết không bị thiệt hại đáng kể gì. Các website cũng đã được khắc phục hoàn toàn sau sự cố. Viện Đào tạo và Tư vấn quốc tế FMIT có website bị tấn công cho biết, họ không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, vì đi thuê nhân viên bên ngoài, làm việc online để quản lý hệ thống mạng nên đơn vị cũng khá bị động trong việc đối phó với tình trạng bị tấn công.

Như vậy, dù không gây ảnh hưởng lớn nhưng cuộc tấn công hàng trăm website lần này cũng cho thấy cơ chế bảo mật an ninh mạng của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá lỏng lẻo. Theo BKAV, hiện có đến 40% website của Việt Nám đang tồn tại lỗ hổng bảo mật có thể bị tin tặc tấn công bất cứ lúc nào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước