Có hay không việc ứng dụng Bluezone xâm phạm riêng tư người dùng?

Theo Sức khỏe & Đời sống-Thứ hai, ngày 17/08/2020 16:26 GMT+7

VTV.vn - Thống kê của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng người cài đặt ứng dụng Bluezone đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến 11h ngày 16/8/2020, số lượt tải ứng dụng Bluezone đã đạt tới 18,7 triệu.

Tuy nhiên, có một số người dùng hiện vẫn băn khoăn về tính bảo mật của ứng dụng và liệu Bluezone có xâm phạm thông tin riêng tư của người dùng hay không?

Giải đáp vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Bluezone chỉ sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc và quyền thông báo cho người dùng. Do đó mọi dữ liệu khác trên điện thoại, Bluezone sẽ không có quyền truy cập được. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng chỉ được lưu trên điện thoại của chính người dùng và cung cấp cho cơ quan y tế với sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp họ là người nghi nhiễm.

Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.

Bluezone giúp giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch COVID-19

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Có hay không việc ứng dụng Bluezone xâm phạm riêng tư người dùng? - Ảnh 1.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người

Công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) của Bluezone sẽ ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

Chỉ lưu lịch sử tiếp xúc, không lưu vị trí địa điểm

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bluezone chỉ lưu lịch sử tiếp xúc mà không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google, khi bật Bluetooth, máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, Bluezone không sử dụng tới quyền đó.

"Bluezone sử dụng công nghệ BLE là một công nghệ phổ biến trên thế giới, đã được trải nghiệm thực tiễn. Mọi ứng dụng chạy trên nền tảng iOS hay Android đều phải tuân thủ các quy định kỹ thuật. Do đó ứng dụng này sẽ không ảnh hưởng đến ứng dụng khác đang được sử dụng trên điện thoại của bạn. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và sử dụng Bluezone hàng ngày" - Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.

Không sử dụng vào các mục đích thương mại

Do sử dụng công nghệ BLE nên dữ liệu tiếp xúc của bạn không bao gồm vị trí, địa điểm. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được lưu và bảo mật trên thiết bị của bạn. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng bởi cơ quan y tế khi có sự đồng ý của bạn hoặc trong trường hợp bạn là ca nghi nhiễm.

Mã Bluezone dùng để trao đổi, ghi nhận lịch sử tiếp xúc của bạn được thay đổi liên tục mỗi 15 phút để đảm bảo tính ẩn danh và chống giả mạo. Mã Bluezone gốc của bạn chỉ được lưu trên thiết bị, không sử dụng để trao đổi. Do đó không có khả năng người khác có thể giả mạo.

Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.

Có hay không việc ứng dụng Bluezone xâm phạm riêng tư người dùng? - Ảnh 2.

Lực lượng thanh niên tình nguyện ở Ninh Bình cài đặt Bluezone

Không truy cập ảnh, danh bạ người dùng

Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền "truy cập tệp" thì thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại. Bạn cần cấp quyền để có thể lưu lại lịch sử tiếp xúc. Bluezone hoàn toàn không sử dụng đến những quyền truy cập còn lại trong chính sách của Google.

Bluezone là ứng dụng được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghệ số và BKAV chỉ là 1 trong số những đơn vị hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống, không có quyền khai thác và sử dụng những dữ liệu phát sinh. Hiện nay đã có quy chế quy định rõ về vấn đề này và các giải pháp kỹ thuật kèm theo tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin và an ninh mạng.

Người dùng có quyền lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân của mình để được hướng dẫn trợ giúp của cơ quan y tế khi cần thiết (bao gồm số điện thoại). Bằng việc đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng ý cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Máy chủ không lưu trữ mọi dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng như ID của người dùng. Dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.

Hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE để quản lý tiếp xúc

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE phục vụ quản lý tiếp xúc. Ngoài công nghệ BLE còn có một số giải pháp khác như sử dụng GPS để ghi nhận vị trí, quét mã QRcode để ghi nhận lượt tiếp xúc. Công nghệ BLE mang lại sự tiện dụng cho người sử dụng, bảo mật thông tin cá nhân hơn các giải pháp khác do người dùng hoàn toàn ẩn danh.

Bluezone cũng giống như mọi ứng dụng quản lý tiếp xúc khác (contact tracing) trên thế giới, chỉ ghi nhận các lượt tiếp xúc giữa các thiết bị được cài Bluezone chứ không cho biết tiếp xúc với ai và ở đâu.

Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Bluezone có thể chạy ngầm, tức chỉ cần bật sẵn trong điện thoại, bạn không cần trực tiếp sử dụng ứng dụng (trực tiếp quét), Bluezone vẫn có thể quét ra những lượt tiếp xúc của bạn.

Cứ mỗi 15 phút mã Bluezone lại thay đổi 1 lần để đảm bảo tính ẩn danh nên nếu các máy điện thoại nào ở gần nhau trong thời gian dài, số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần. Bạn cần đảm bảo ứng dụng luôn chạy ngầm và bật bluetooth.

Cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người

Theo các chuyên gia, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân hãy cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác.

Để thực hiện việc quản lý tiếp xúc gần, đầu tiên người dùng cần tải về và cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone.

Hướng dẫn cài đặt Bluezone trên điện thoại:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc vào kho ứng dụng CHPlay (Android) hoặc Appstore (iOS) gõ từ khoá "Bluezone" trong mục tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng "Bluezone - Khẩu trang điện tử" của Cục tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông rồi cài đặt.

Bước 3: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 4: Mở ứng dụng và cho phép Bluezone truy cập một số quyền cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước