Cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam hậu COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 12/07/2020 12:02 GMT+7

VTV.vn - Trong các chiến lược tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 mà các quốc gia đưa ra, phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số được coi như chìa khóa của sự phát triển.

Đại dịch COVID-19 đã và đang khuyến khích ngày càng nhiều nước trên thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là nhận định được giới hoạch định chính sách thế giới chia sẻ trong những ngày này.

Hơn 6 tháng qua, cả thế giới sống trong một trạng thái bất bình thường. Đó cũng là lúc mà chúng ta ngày càng nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đây là lĩnh vực mà các quốc gia hoàn toàn có thể tạo ra bứt phá để tiến về phía trước, vượt qua cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu hiện nay. Trong những chiến lược tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 mà các quốc gia đưa ra gần đây, có thể thấy phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số được coi như chìa khóa của sự phát triển.

Vậy chúng ta phải làm gì để tận dụng được cơ hội chuyển đổi trong kỷ nguyên mới hậu COVID-19?

Số hóa len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống

Tại Hội nghị của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam diễn ra hồi giữa tuần tại Hà Nộ,i đã có những tổng kết rất đáng lưu tâm về những thay đổi trong môi trường số của Việt nam thời COVID-19. Trong thời điểm dịch COVID-19, những lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số mạnh nhất là: mua sắm trực tuyến, học tập trực tuyến, y tế trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến...

Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, đã có hàng chục ứng dụng ra đời giúp người dân truy vết, giám sát, cách ly bệnh nhân COVID-19 hiệu quả. Còn hàng chục ngàn trường học đã đưa vào sử dụng những phần mềm học trực tuyến giúp trẻ em vẫn có thể học tập mà không phải đến trường. Dịch bệnh thực sự đã đem tới một cú hích về chuyển đổi số, không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên thế giới.

Tại Việt Nam, số hoá đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Từ thanh toán hoá đơn điện, nước, cước phí điện thoại đến ứng dụng gọi xe… Các ứng dụng thanh toán, mua sắm mà không dùng tiền mặt đã đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, đặc biệt được nhiều người trẻ đón nhận.

Mô hình Đại học điện tử cũng phát huy tối đa hiệu quả khi các dữ liệu được liên thông với nhau từ sinh viên, giảng viên đến các bộ phận quản trị trong trường... Chỉ cần một điện thoại kết nối Internet, các bạn sinh viên có thể xem được lịch học online, học trực tuyến, thậm chí đóng học phí ngay trên điện thoại mà không phải mất thời gian xếp hàng ở phòng kế toán của nhà trường như trước.

Trong thời điểm dịch COVID-19, chuyển đổi số có xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam. Người dân có thể đăng ký khám bệnh từ xa, họp trực tuyến hay sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, tiện lợi, nhanh chóng.

Tại Việt Nam, chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng chính thức phê duyệt với 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Chương trình hướng tới mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với mục tiêu cơ bản là đến năm 2025 sẽ có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp với người dân, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia như: dân cư, đất đai, bảo hiểm... được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Chuyển đổi số mở ra những mô hình kinh doanh mới

Để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả tại Việt Nam, thời gian tới, ngoài việc chú trọng phát triển các sản phẩm "Make in Vietnam" ứng dụng rộng trong đời sống, việc triển khai nền tảng kết nối cơ sở dữ liệu, sản xuất điện thoại thông minh Việt nam giá rẻ dưới 1 triệu đồng để mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh và thương mại hoá thiết bị 5G... sẽ được ngành Thông tin và Truyền thông đặc biệt chú trọng.

Chuyển đổi số mở ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới, giúp GDP Việt Nam tăng tới 1,1%/năm. Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi sang một xã hội số hóa là một xu hướng không thể đảo ngược. Như Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã nhận định, chuyển đổi số ở Việt nam dựa trên 3 trụ cột, đó là xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm về số hóa và hoạt động trực tuyến

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, đại dịch COVID-19 đã khiến tổng số giờ làm việc toàn cầu giảm 14% trong quý 2 năm nay, tương đương 400 triệu việc làm toàn thời gian bị mất đi. Còn tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê công bố số liệu 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19.

Dữ liệu ngày càng cho thấy thị trường lao động toàn cầu sẽ không trở lại mức như trước đại dịch trong thời gian ngắn. Viễn cảnh mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đặt ra rằng, con người sẽ chỉ chiếm 48% lực lượng lao động vào năm 2025, còn lại là tự động hóa và robot, hoàn toàn có thể sẽ đến sớm hơn dự kiến vì COVID-19. Vì vậy, đại dịch toàn cầu COVID-19 chính là lý do để các doanh nghiệp phải có quan niệm khác về số hóa và hoạt động trực tuyến.

Cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Các ngành công nghiệp truyền thống đã chịu áp lực nặng nề để cải thiện năng suất nhờ số hóa từ lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Hiện tại, tuổi thọ của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, du lịch, dịch vụ tài chính và bất động sản đang bị đặt dấu hỏi lớn vì sự gián đoạn kinh doanh mà đại dịch COVID-19 gây ra. Sau COVID-19, việc chỉnh đốn lại các hoạt động kinh doanh và số hóa sẽ là cần thiết cho sự sống còn.

Theo một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào quý IV năm 2020, nhiều công ty sẽ tập trung hơn vào hướng nghiên cứu mô hình hành vi của người tiêu dùng nhờ các nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, các công ty có thể đưa ra các quyết định kinh doanh nhắm tới khách hàng hiệu quả hơn. Các công ty có đủ nguồn lực để số hóa sớm hơn, sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn khi dịch bệnh kết thúc.

Khi công bố quỹ phục hồi sau đại dịch, chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi số.

"Kế hoạch phục hồi biến thách thức to lớn mà chúng ta gặp thành cơ hội, không chỉ bằng cách hỗ trợ phục hồi mà còn đầu tư vào tương lai của chúng ta. Số hóa sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, khả năng phục hồi của xã hội và sức khỏe của nền kinh tế" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và đẩy nhanh tiến trình số hóa cho tất cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẽ mở khóa khả năng phục hồi và tăng cường năng lực cạnh tranh trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước