Cơ hội của kinh tế số từ sự bùng nổ của Internet

P.V (Tổng hợp)-Thứ tư, ngày 21/12/2016 16:14 GMT+7

Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG chia sẻ tại Internet Day

VTV.vn - Sự bùng nổ của hạ tầng Internet cùng với các thiết bị và dịch vụ mạng ngày càng phát triển thực sự là mảnh đất hứa với các doanh nghiệp nội dung số.

Thông tin từ Ngày Internet 2016 lần thứ 5 với chủ đề "Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet" cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2014, doanh thu ngành Công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm và hiện đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho hay, trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Internet, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Internet sẽ thay đổi toàn bộ. Các sản phẩm nội dung số sẽ có mặt mọi nơi: "Hiện mọi thứ đang được số hóa từ Thương mại, thanh toán, vận chuyển, giáo dục, sức khỏe. Các sản phẩm về công cụ tìm kiếm, công cụ giao tiếp qua internet đang có sự phát triển mạnh mẽ như Google, Zalo, Facebook, Zing… Bên cạnh đó là các sản phẩm hạ tầng truy cập như các thiết bị và dịch vụ mạng ngày hiện đại do nhu cầu người dùng ngày càng lớn" – ông Minh nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, năm 2016, các nhà mạng được cấp phép 4G và bắt đầu triển khai. Việc này sẽ tạo ra xa lộ thông tin để phát triển mạnh nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet.

Trong khi đó, ông Chung Trinh, đại diện Google trình bày trong báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2016 cho hay, số lượng dùng thiết bị di động hiện nay gấp 2 lần số lượng dùng máy tính và thâm nhập vào mọi mặt của đời sống.

Bên cạnh thị trường Việt, với Internet, cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài là không giới hạn. Ông Lê Hồng Minh cũng đưa ra bằng chứng về một số game mobile của Việt Nam đang được đánh giá cao từ các chợ ứng dụng lớn của Apple như Politaire (của Pine Entertainment)…

Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng một ngành công nghiệp nội dung số phong phú, đa dạng, trong đó sản phẩm về giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến, nội dung cho thiết bị di động,...Việt Nam cũng đã có công ty lọt vào top 5 doanh nghiệp nội dung số lớn nhất của Đông Nam Á, đủ sức cạnh tranh và thâm nhập vào thị trường trong khu vực.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi mà nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa. Ứng dụng sâu rộng của CNTT trong mọi hoạt động của nền kinh tế số "không biên giới" mang lại giá trị lợi nhuận cao. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là động lực phát triển mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên quy mô toàn cầu: "Trong tương lai, nền kinh tế số dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp nội dung số thành mũi nhọn của toàn ngành công nghệ thông tin. Dựa trên các lợi thế như: Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh, hạ tầng internet và hạ tầng di động băng thông phát triển rộng khắp, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp số. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nền kinh tế số nói chung cũng như chuỗi cung ứng nội dung nói riêng".

Ước tính đến năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone, 15 triệu người dùng PC. Với mức độ sử dụng internet mọi lúc, mọi nơi, Cá nhân hóa cao độ và thời lượng sử dụng 2-3 giờ/ngày thì cơ hội thị trường Mobile internet tăng từ 40 - 100 lần.

Lấy ví dụ trong ngành game, ông Lê Hồng Minh cho thấy tốc độ từ năm 2013 tới nay, PC Game liên tục giảm và dự báo xu hướng này còn tiếp tục tới 2020 với tốc độ -12%/năm. Ngược lại, thị trường mobile game đang tăng, đặc biệt phát tiển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 với tốc độ 40%/năm.

Theo các chuyên gia, cơ hội trên Internet là thực tế chứ không còn là tiềm năng. Bởi vậy, từng cá nhân, doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội và nắm bắt. Bên cạnh đó, với thị trường, việc quan trọng nhất không phải là sản phẩm đầu tiên hay cuối cùng mà chính là chất lượng của dịch vụ, sản phẩm đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước