Lễ trao Giải thưởng VinFuture năm 2023 - 20/12/2023
Giải thưởng chính, trị giá 3 triệu USD (73 tỷ đồng) của VinFuture 2023 thuộc về kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua sản xuất pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.
4 nhà khoa học được vinh danh là Giáo sư Martin Andrew Green (Australia); Giáo sư Stanley Whittingham (người Mỹ gốc Anh); Giáo sư Rachid Yazami (Maroc), Giáo sư Akira Yoshino (Nhật Bản).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng chính VinFuture 2023 cho 4 nhà khoa học.
Đây là công nghệ đã mở ra tiềm năng mới, giúp khai thác năng lượng sạch và vô tận từ bầu trời, giúp mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực lưu trữ năng lượng và tái tạo năng lượng, giúp mọi người trên thế giới có thể tiếp cận và sử dụng năng lượng xanh, bền vững.
Phát biểu trên sân khấu Lễ trao giải, Giáo sư Stanley Whittingham chia sẻ: "Tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người đồng nghiệp của mình và nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hướng tới hệ sinh thái bền vững hơn, giúp tăng cường sức khỏe thế hệ con cháu trong tương lai. Tôi hy vọng các bạn cùng tôi vượt qua thách thức biến đổi khí hậu".
"Công nghệ pin Lithium-ion được sử dụng với số lượng lớn và tăng dần qua các năm và tương lai nằm ở phương tiện xe chạy điện. Hy vọng năm sau tới Việt Nam tôi chứng kiến nhiều xe điện hơn nữa, không khí trong lành hơn và đây là điều tốt đẹp cho tương lai của chúng ta", GS Rachid Yazami nóii.
Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ
Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho Giáo sư Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) cho việc khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã lên sân khấu trao cúp và bằng chứng nhận cho Giáo sư Susan Solomon
Nghiên cứu của bà đã góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal, một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Việc phục hồi tầng ozone còn góp phần duy trì sự sống trên trái đất, bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới...
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã lên sân khấu trao cúp và bằng chứng nhận đến nhà khoa học đạt giải.
Phát biểu sau khi nhận giải, Giáo sư Susan Solomon cho biết, bà cảm thấy may mắn khi bắt đầu công trình nghiên cứu từ năm 29 tuổi và giờ đây bà có thể chia sẻ với mọi người rằng lỗ thủng tầng ozone đang có dấu hiệu phục hồi.
"Đây là kết quả chúng ta - tất cả người dân trên thế giới chung tay kiểm soát chất hóa học làm hại tầng ozone", Giáo sư Susan Solomon nói.
Katy Perry trình diễn loạt hit tại VinFuture 2023
Xuất hiện trên sân khấu lễ trao giải VinFuture, Katy Perry đã trình diễn hai bài hát gắn liền với tên tuổi của cô là Unconditionally và Roar. Đây là hai ca khúc đã từng thu hút hàng tỷ lượt người xem trên Youtube. Với hai bản hit này, ca sĩ muốn truyền thông điệp về tinh thần, ý chí mạnh mẽ của phái nữ và tình yêu vô điều kiện với đam mê khoa học, sáng tạo.
Vừa trình diễn, Katy Perry khiến khán giả phấn khích khi bày tỏ: "I love you Vietnam, thank you so much" (Tôi yêu Việt Nam, cảm ơn các bạn rất nhiều)
Giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới
Giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới vinh danh 4 nhà khoa học: Giáo sư Daniel Joshua Drucker (người Canada), Giáo sư Joel Francis Habener (người Mỹ), Giáo sư Jens Juul Holst (Đại học Copenhagen, Đan Mạch); Phó Giáo sư Svetlana Mojsov (Đại học Rockefeller, Hoa Kỳ).
Nhóm tác giả chiến thắng giải thưởng với công trình tiên phong khám phá vai trò của peptide giống glucagon -1, là nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì hiệu quả, giúp thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới đối với các bệnh thoái hóa thần kinh, góp phần kiến tạo một thế giới khỏe mạnh hơn.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó giáo sư Svetlana Mojsov bày tỏ vinh dự nhận giải thưởng VinFuture, cùng sự vui mừng khi những công trình nghiên cứu của mình và đồng nghiệp đem lại ảnh hưởng tích cực cho cuộc sống nhiều người dân.
GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush nhận giải đặc biệt dành cho Nhà Khoa học đến từ các nước đang phát triển
GS Võ Tòng Xuân (Đại học Cần Thơ) và GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) được trao giải đặc biệt dành cho Nhà Khoa học đến từ các nước đang phát triển với phát minh nhiều giống lúa năng suất cao.
Trên sân khấu lễ trao giải VinFuture, Giáo sư Gurdev cho biết, qua 25 năm công tác tại các viện nghiên cứu gạo quốc tế, các giống gạo mới mà ông phát triển có năng suất cao hơn 2 lần so với giống gạo truyền thống, nhờ đó góp phần vào việc đạt những thành quả mới trong cách mạng xanh cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush nhận giải thưởng đặc biệt dành cho Nhà Khoa học đến từ các nước đang phát triển
Trong khi đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân bày tỏ vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ Hội đồng Giải thưởng VinFuture và sự ủng hộ mạnh mẽ đưa vào sử dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
"Nỗ lực này giúp chúng ta đạt năng suất lúa cao hơn, cải thiện sinh kế cho người trồng lúa gạo ở khu vực này. Vì vậy, chúng ta đã có thể đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới", Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush hội ngộ tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture
GS. TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940, là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam. Ông được ví như "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, giáo sư còn là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam, chuyên hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.
Là một trong những người tiên phong trong việc tạo ra nhiều giống lúa kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, GS.Gurdev Singh Khush cho biết, ông đến Việt Nam từ năm 1969 và có thời gian khá thường xuyên làm việc với các nhà khoa học về lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là Giáo sư Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học khác nữa.
"Chỉ trong vòng 20 năm, tất cả giống lúa mới được trồng rộng rãi ở toàn bộ khu vực châu Á. Ở đây, dòng IR có rất nhiều dòng khác nhau như IR36, IR64, IR72 và rất nhiều IR khác nữa cũng được các quốc gia châu Á trồng rộng rãi để mà nâng sản lượng và giải quyết vấn đề thiếu lương thực", Giáo sư Gurdev Singh Khush chia sẻ.
Tri ân hội đồng giải thưởng VinFuture 2023
Trước khi bước vào phần công bố trao giải, hai nhà sáng lập Quỹ VinFuture ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương đã lên sân khấu bắt tay và trao tặng loài hoa biểu tượng của Việt Nam thay cho lời tri ân gửi đến các thành viên.
Các thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2023 gồm: Giáo sư Sir Richard Henry Friend, FRS: Đại học Cambridge, chủ nhân giải thưởng Millennium Technology 2010; Tiến sĩ Padmanabhan Anandan: Cố vấn về chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích xã hội cho Quỹ Bill và Melinda Gates và Phòng thí nghiệm sức khỏe toàn cầu (Hoa Kỳ); Giáo sư Jennifer Tour Chayes: Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ); Giáo sư Pascale Cossart: nguyên Trưởng khoa Tế bào, Viện nghiên cứu Pasteur và Thư ký trọn đời, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp (Pháp);
Hai nhà sáng lập Quỹ VinFuture ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương tặng hoa các thành viên của hội đồng giải thưởng VinFuture 2023
Giáo sư Đặng Văn Chí, Giáo sư Xuất sắc Bloomberg về Y học Ung thư, Đại học Johns Hopkins và Giám đốc khoa học, Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig (Hoa Kỳ); Tiến sĩ Xuedong Huang: Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn Zoom; Giáo sư Daniel Kammen: Giáo sư James & Katherine Lau về Phát triển bền vững, Đại học California, Berkeley;
Giáo sư Gérard Albert Mourou: Đại học Bách khoa Pháp École Polytechnique, Chủ nhân giải thưởng Nobel 2018; Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov, FRS: Đại học Manchester, Giáo sư Tan Chin Tuan Centennial tại Đại học Quốc gia Singapore, Chủ nhân giải thưởng Nobel 2010; Giáo sư Michael Eugene Porter: Đại học Harvard, "cha đẻ" của lý thuyết về chiến lược cạnh tranh trong kinh tế hiện đại, thành viên danh dự Hội đồng Giải thưởng;
Giáo sư Leslie Gabriel Valiant, FRS: Giáo sư T. Jefferson Coolidge về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng, Đại học Harvard, Chủ nhân giải thưởng A.M.Turing Award 2010; Giáo sư Vũ Hà Văn: Giáo sư Percey F. Smith Professor ngành Toán học và Giáo sư Khoa học Dữ liệu, Đại học Yale; Giáo sư Soumitra Dutta - Thành viên mới Hội đồng Giải thưởng năm 2023: Ông hiện đang là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Cuộc sống đặt mục tiêu cho khoa học và khoa học soi đường cho cuộc sống
Phát biểu tại lễ trao giải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hoan nghênh tâm huyết của những nhà sáng lập giải thưởng VinFuture với tầm nhìn mang tính toàn cầu, đã cổ vũ tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, công nghệ đột phá mang tính ứng dụng cao hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người đã tạo ra sự kết nối rộng lớn với cộng đồng khoa học thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Lịch sử nhân loại đã làm sáng tỏ một chân lý là cuộc sống đặt mục tiêu cho khoa học và khoa học soi đường cho cuộc sống. Thật vậy, khoa học đã giúp con người hiểu biết về chính mình và cung cấp những giải pháp để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Khoa học càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Thế giới của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng với nhiều nguy cơ, thách thức, đe doạ con người. Biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, bệnh tật, đói nghèo…
Các thách thức toàn cầu ấy dạy cho con người khiêm tốn hơn trong ứng xử với mẹ thiên nhiên và các nền văn minh. Nhưng cũng đòi hỏi con người phải dũng cảm vượt qua những giới hạn, rào cản, định kiến để cùng hợp tác với tầm nhìn rộng mở, tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu mang tính toàn cầu cho một hành trình phát triển mới, bền vững và nhân văn".
Phát biểu tại lễ trao giải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hoan nghênh tâm huyết của những nhà sáng lập giải thưởng VinFuture với tầm nhìn mang tính toàn cầu.
"Tôi nghĩ rằng với những nhà khoa học chân chính, biểu tượng của phẩm giá và trí tuệ loài người, các giải thưởng chưa bao giờ là mục tiêu trong lao động mà chính khao khát tìm lời giải cho cuộc sống bằng tình yêu thương nhân loại, đam mê nghiên cứu với tinh thần phụng sự và cống hiến. Mỗi nhà khoa học và công trình của mình đã trở thành một câu chuyện đẹp, xứng đang được tìm kiếm và vinh danh", Chủ tịch Võ Văn Thưởng nói.
Theo Chủ tịch nước, từ lần trao giải đầu tiên đến nay, với sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" theo đuổi 4 giá trị cốt lõi là: Bình đẳng - Toàn cầu - Bền vững và Tiên phong, Giải thưởng đã phát triển liên tục về chất lượng, số lượng và sự đa dạng, cho thấy sức hấp dẫn, ảnh hưởng, uy tín quốc tế ngày càng tăng.
VIDEO: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture
Chủ tịch nước khẳng định, giá trị của Giải thưởng là sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần khoa học, sự khiêm tốn và lòng cầu thị, sự dũng cảm vượt qua thách thức, vượt lên những rào cản, giới hạn, tư duy thông thường để sáng tạo, phụng sự con người.
Giải thưởng VinFuture "nguồn cảm hứng cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu"
Phát biểu mở màn lễ trao giải, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cho biết, lễ trao giải là "nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới cho những thách thức toàn cầu".
"Nhiệm vụ cao cả ấy đã được thể hiện rõ nét qua những chủ nhân của giải thưởng VinFuture, nhằm tôn vinh những phát minh đổi mới có tầm nhìn xa rộng và những tác động thực sự mà những công trình ấy có thể mang lại.
Niềm vui của chúng tôi càng tăng khi hai trong số những chủ nhân giải thưởng chính mùa đầu tiên, TS. Katalin Kariko và GS. Drew Weissman được trao Giải Nobel Y Sinh năm nay. Công trình đột phá vào đầu những năm 2000 về công nghệ vaccine mRNA của họ đóng góp rất lớn trong việc phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông Richard Henry Friend tự hào nói.
GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu tại Lễ trao giải
Lễ trao giải VinFuture 2023 đã chào đón các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam tham dự. Họ là chủ nhân của những giải thưởng danh giá bậc nhất như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing… và các viện sĩ từ những viện hàn lâm khoa học hàng đầu thế giới.
Với thông điệp chủ đề "Chung sức toàn cầu", giải thưởng VinFuture năm nay khẳng định uy tín quốc tế khi quy tụ 1.389 hồ sơ đề cử từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều gấp 3 lần so với mùa giải đầu tiên.
GS Teck-Seng Low - Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), thành viên Hội đồng Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth (Vương quốc Anh) - cũng cho rằng con số hơn 1.300 đề cử mà VinFuture nhận được ở mùa thứ 3 là "rất đáng kinh ngạc".
GS Gurdev Singh Khush đánh giá ý nghĩa quan trọng của giải thưởng VinFuture là giúp kết nối các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tới Việt Nam. Khi các nhà khoa học đó trở về quốc gia của họ, họ sẽ lan tỏa thông điệp về giải thưởng, cũng như kết nối các nhà khoa học ở nước của họ với các nhà khoa học Việt Nam.
"Còn trong nước, đây là một diễn đàn kết nối các nhà khoa học, tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học đến gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và hợp tác với nhau" - GS Gurdev Singh Khush bày tỏ.
Hệ thống giải thưởng VinFuture 2023: gồm 1 Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD - một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu; 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD , dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Ngay sau lễ trao giải là sự kiện "Chào tương lai: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023" diễn ra vào ngày 21/12.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!