Cuộc cách mạng công nghệ với trí tuệ nhân tạo

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 23/11/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một năm qua, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT đã được nhiều công ty công nghệ lớn phát triển.

Vụ lùm xùm làm rung chuyển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn cầu những ngày qua đã kết thúc với việc ông Sam Altman trở lại với vị trí Giám đốc điều hành của OpenAI. Nguyên nhân được nhận định là do áp lực từ phía các nhà đầu tư lớn của OpenAI và làn sóng nhân viên dọa nghỉ việc.

Hơn bất kỳ nhân vật nào khác, Sam Altman là gương mặt đại diện cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo nhờ thành công của ứng dụng ChatGPT. Ứng dụng ra mắt cuối năm ngoái đã tạo nên cơn sốt với những khả năng chưa từng có, như sáng tác các bài thơ hoặc tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài giây. Một năm qua, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT đã được nhiều công ty công nghệ lớn phát triển và làm thay đổi nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Một giờ học tiếng Anh tại trường trung học ở Đan Mạch, học sinh được giao đề bài tự mình phân tích một truyện ngắn, rồi sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Bài tập cho thấy cả khả năng và hạn chế của công nghệ này.

Một trong nhóm 5 trường trung học của Đan Mạch đang thí điểm dự án khuyến khích học sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong một vài lớp học.

Cô Mette Pedersen - Giáo viên tiếng Anh, Trường Horsens Gymnasium, Đan Mạch cho rằng: "Nếu chúng ta không trao đổi với học sinh về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, thì các em sẽ không thể trò chuyện với chúng ta về chủ đề và cảm thấy bị cấm đoán. Dù bạn có thích hay không, có nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng hay không, thì nó cũng vẫn tồn tại ở đó".

Cuộc cách mạng công nghệ với trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Sam Altman trở lại với vị trí Giám đốc điều hành của OpenAI

Tại London, giáo sư ngành kỹ sư phần mềm Balbir Barn cũng cho rằng những công cụ như ChatGPT có thể hỗ trợ sinh viên.

GS. Balbir Barn - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Middlesex, Anh: "Điều quan trọng là chúng ta, với tư cách là học giả, phải đào tạo sinh viên hiểu được làm sao để sử dụng những công cụ này một cách hiệu quả, cũng như nhận biết được hạn chế của chúng và biến chúng thành công cụ hỗ trợ đắc lực thay vì một thứ mà các trường học phải chối từ".

Còn trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền tác giả khi những hệ thống trí tuệ nhân tạo khai thác các tác phẩm gốc làm nền tảng dữ liệu để tạo ra các tác phẩm phái sinh. Dù vậy, không thể phủ nhận sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong việc sản xuất ra các nội dung và thiết kế với thời gian và ngân sách tối ưu, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Ryan Merkley - Giám đốc điều hành Công ty kỹ thuật số Aspen: "Những công cụ này sẽ mở ra rất nhiều khả năng sáng tạo và khám phá. Tôi nghĩ nó sẽ cho phép những người không có tài năng nghệ thuật thể hiện được tầm nhìn sáng tạo theo cách mà họ vốn không thể làm được. Tôi cũng cho rằng, có những câu hỏi thực sự phải đặt ra về tương lai của nghệ thuật và vai trò của sự sáng tạo trong xã hội, khi mà các nghệ sĩ phải đấu tranh với các công cụ tạo ra nội dung bằng máy tính. Chúng ta sẽ phải xem xét cẩn thận về khía cạnh đạo đức và pháp lý của những công cụ này".

Cuộc cách mạng công nghệ với trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh cũng là tâm điểm chú ý tại những sự kiện công nghệ lớn nhất hành tinh trong năm qua. Tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) hồi tháng 2 ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhiều công ty khởi nghiệp đã ra mắt các sản phẩm tích hợp công nghệ này.

Còn tại Hội nghị Web Summit vừa diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha, trí tuệ nhân tạo cũng là một chủ đề nóng được tập trung thảo luận, đặc biệt là về vấn đề quy định quản lý công nghệ này, trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang nghiên cứu để ban hành "Đạo luật AI" của mình.

Quản lý trí tuệ nhân tạo trở thành chủ đề tranh luận ở mọi cấp độ

Nếu như chỉ một năm trước đây, vấn đề quản lý trí tuệ nhân tạo hầu như không nhận được sự chú ý, thì nay nó đã trở thành chủ đề tranh luận ở mọi cấp độ, đặc biệt là với các nhà lập pháp ở nhiều nước phát triển.

Theo bà Stefania Giannini - Trợ lý Tổng giám đốc về Giáo dục tại UNESCO: "Công nghệ là công cụ, là cốt lõi, bản thân nó không có lợi hay hại, mà là ở cách chúng ta sử dụng công nghệ. Chúng ta đang mất phương hướng về công nghệ, đặc biệt là thế hệ công nghệ mới nhất: trí tuệ nhân tạo với Chat GPT và các công cụ tương tự. Các chính phủ cũng như các giáo viên, học sinh, tất cả cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục, cần phải có một kim chỉ nam để tìm ra phương hướng".

Ông Ian Bremmer - Nhà khoa học chính trị quốc tế: "Chúng ta chưa có tổ chức hay cơ quan nào dành riêng về trí tuệ nhân tạo, trong khi công nghệ này đang tiến triển nhanh chóng. Và chỉ có một vài công ty thống trị lĩnh vực này. Các chính phủ sẽ quản lý ra sao, với những định chế nào? Đây vẫn còn là một vùng trống, thiếu vắng các luật lệ và cơ quan quản lý. Rất cần thiết phải theo dõi vấn đề này".

Cuộc cách mạng công nghệ với trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Bà Poppy Gustafsson - Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Darktrace: "Điều mấu chốt là phải có sự hợp tác. Chúng ta không thể giữ thái độ riêng biệt của từng quốc gia, bởi trí tuệ nhân tạo không phải là vấn đề của riêng nước nào. Tất cả chúng ta đều đang vận hành trong những chuỗi cung ứng và kinh doanh toàn cầu. Vậy nên, cần phải có sự hợp tác, đặc biệt là giữa khu vực công và tư. Khu vực công chú trọng và nhận thức rõ hơn về quản trị, trong khi khu vực tư tập trung hơn vào việc phát triển công nghệ thực tế".

Ông Yoshua Bengio - Người đoạt Giải Nobel Công nghệ về Trí tuệ nhân tạo: "Một thông điệp mà tôi nghĩ cần được lắng nghe và thảo luận nhiều hơn, đó là những hạn chế của khoa học hiện nay đối với sự an toàn của các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Hiện chúng ta vẫn không biết cách xây dựng một hệ thống AI hoạt động an toàn và đúng như dự định, chúng ta cần nhất trí ở cấp độ quốc tế rằng cần phải nâng cao tiêu chuẩn, rằng các công ty phải chứng minh được về mặt khoa học là những công nghệ này an toàn, trước khi xây dựng chúng".

Có thể thấy, dù có nhiều quan điểm quản lý và kiểm soát công nghệ trí tuệ nhân tạo khác nhau, phụ thuộc vào luật lệ cũng như bối cảnh của mỗi quốc gia, nhưng việc đưa ra một tiêu chuẩn chung cho toàn cầu là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần cân bằng giữa việc đưa AI vào khuôn khổ quản lý và không đưa ra những quy định quá khắt khe có thể cản trở sự phát triển của công nghệ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước