Sau quyết định của Bắc Kinh mới đưa ra, cấm nhà sản xuất chip Micron Technology có trụ sở tại bang Idaho (Mỹ) bán sản phẩm cho các công ty nội địa của nước này vì lí do an ninh mạng, Washington và Bắc Kinh liên tục có những phản bác qua lại.
Doanh thu của Micron giảm khoảng 10%
Phản ứng mới nhất về thiệt hại từ lệnh cấm của Trung Quốc, Micron cho biết, công ty hiện đang "đánh giá các thiệt hại từ quyết định của Trung Quốc và đưa ra các bước đi cần thiết cho công ty và tiếp tục thảo luận với chính quyền Trung Quốc về vấn đề này".
Các chuyên gia tài chính được báo chí Mỹ trích dẫn cho biết, ngừng kinh doanh ở thị trường Trung Quốc sẽ làm doanh thu của Micron giảm khoảng 10%. Năm ngoái, công ty có doanh thu 30,8 tỷ USD và thị trường Trung Quốc chiếm 11% thị phần, tức khoảng 3,3 tỷ USD.
Có thể doanh thu này ở mức khiêm tốn so với các công ty công nghệ khác, nhưng đặc điểm của sản xuất thiết bị điện tử là nó đều kết nối đến các nhà máy Trung Quốc, vì vậy, quyết định của Trung Quốc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ với khách hàng của Micron. Mặt khác, quyết định của Trung Quốc cũng làm cổ phiếu của Micron giảm mất giá trị trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, có thể châm ngòi cho giai đoạn gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà thiệt hại thì chưa ai có thể đo đếm được.
Các nhà sản xuất của Mỹ đang cung cấp hàng tỷ con chip cho Trung Quốc
Quyết định cấm Micron được đưa ra sau hơn 1 tháng kể từ ngày Trung Quốc công khai điều tra các sản phẩm nhập khẩu từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước Mỹ. Động thái này, theo nhiều chuyên gia, cũng khiến các nhà sản xuất chip khác của Mỹ đang xuất khẩu hàng hóa cho Trung Quốc - thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới - khó tránh khỏi lo lắng. Bởi lẽ, hàng loạt doanh nghiệp chip hàng đầu tại Mỹ như Qualcomm, Broadcom, Intel... đã và đang cung cấp hàng tỷ con chip cho Trung Quốc.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Nếu như Micron thu được gần 11% doanh thu từ Trung Quốc trong năm 2022, thì Qualcomm có phần trăm doanh thu từ Trung Quốc lên tới 64%. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 35% trong tổng doanh thu của Broadcom. Con số này với Intel và AMD lần lượt là 27% và 22%.
Cuộc đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng xấu đến các công ty công nghệ dựa vào vi mạch để đổi mới và cải tiến sản phẩm.
Trung Quốc đáp trả mạnh và trực diện
Khác với các biện pháp trước đây để đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại hay cuộc chiến về chip, thì lần này, Trung Quốc đáp trả mạnh và trực diện. Trung Quốc sử dụng ngay "bài" của Mỹ - an ninh quốc gia để cấm những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của Micron - công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ và thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù kém Mỹ và phương Tây về công nghệ sản xuất chip nhưng Trung Quốc vẫn là nước nằm trong top đầu. Trung Quốc mạnh mảng chip nhớ - lĩnh vực thế mạnh của Micron nên hành động cấm cũng quyết liệt hơn.
Còn theo đánh giá từ các chuyên gia uy tín của công ty Citic Securities, lệnh cấm Micron sẽ mang lại cơ hội kinh doanh và giúp các doanh nghiệp chip nội địa gia tăng thị phần nhanh chóng. Các công ty chip nội địa Trung Quốc đang mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu chip nội địa tăng mạnh từ phát triển trí tuệ nhân tạo, xe điện đến bảo mật dữ liệu. Ở lĩnh vực chip trình độ trung bình, khá, Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp lớn để lấp vào khoảng trống.
Thật ra, từ khi Mỹ và phương Tây dồn ép cuối năm ngoái, cơ quan chức năng Trung Quốc đã đưa ra ngay các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp chip nội địa về thuế, ưu đãi lãi suất vay trong cuộc chiến lâu dài tiến tới tự chủ về công nghệ. Ngoài ra, Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên mua chip nội địa để sản xuất. Là nước tiêu thụ chip lớn nhất thế giới, khi Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu chip, trong quý 1 vừa rồi, doanh thu của những công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng.
Lĩnh vực công nghệ vốn là điểm nóng trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ và sản xuất chất bán dẫn/chip cũng trở thành mặt trận cạnh tranh mới. Sau quyết định đối với Micron, cuộc cạnh tranh này đánh dấu bước leo thang lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới về khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng. Trước đó, Mỹ đã áp các biện pháp hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu một số chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.
Dự kiến lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong vài ngày tới để họp bàn về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến thương mại song phương. Nhưng hiện tại, những căng thẳng, đòn đáp trả giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!