Trung Quốc xúc tiến thành lập quỹ bán dẫn 27 tỷ USD
Trong tuần qua, Trung Quốc tuyên bố thành lập quỹ 27 tỷ USD, quỹ lớn nhất từ trước đến nay, để phát triển công nghệ bán dẫn tối tân đối phó loạt hạn chế từ Mỹ.
Tính từ tháng 10/2022 đến nay, Mỹ liên tục thực hiện các biện pháp từ kiểm soát xuất khẩu chip máy tính tiên tiến, chip trí tuệ nhân tạo đến hạn chế xuất khẩu máy móc, công nghệ làm chip sang Trung Quốc.
Chưa dừng lại, Washington yêu cầu bất cứ quốc gia nào sử dụng công nghệ bán dẫn của Mỹ muốn xuất khẩu máy móc hay con chip tiên tiến thành phẩm tới Bắc Kinh đều cần phải thông báo tới chính phủ Mỹ.
Việc Mỹ sở hữu phần lớn bằng sáng chế thiết kế chip hiện đại đang cho phép quốc gia này có thể gây sức ép, tạo ra liên tiếp những cơn sóng khiến con thuyền bán dẫn Trung Quốc phải rung lắc. Tuy nhiên, thực tế, Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, vậy nếu hạn chế bán chip cho nước này, dường như thiệt hại kinh tế sẽ là rất lớn với Mỹ và đồng minh của mình.
Hiện tại, gần như mọi ngả đường tiếp cận chip tiên tiến, tức dưới 16 nm, với Trung Quốc đã bị ngăn chặn bởi phương Tây. Đây là dòng chip xuất hiện trong những chiếc điện thoại thông minh cao cấp, laptop, siêu máy tính. Không bán cho Bắc Kinh đúng là sẽ thiệt hàng hàng tỷ USD.
Nhưng nếu nhìn rộng ra, chip tiên tiến cũng chỉ chiếm 10% doanh thu ngành chip toàn cầu. 90% phần còn lại đến từ những con chip cấp thấp, tức trên 28 nm. Trớ trêu thay, Trung Quốc lại đang thống trị phân khúc chip cấp thấp hay chip phổ thông này. Do vậy, các chuyên gia dự báo, chuyển động sắp tới rất có thể Mỹ sẽ tiến tới hạn chế nhập khẩu các dòng chip này từ Bắc Kinh.
Mỹ tìm cách giảm phụ thuộc chip cấp thấp từ Trung Quốc
Chip cấp thấp - trên 28 nm - dù được sản xuất bằng công nghệ từ 10 - 20 năm trước nhưng loại chip này vẫn được sử dụng trong hàng loạt sản phẩm, từ máy rửa chén, máy giặt đến xe điện, thậm chí có trong cả một số thiết bị quân sự.
Nghiên cứu mới nhất từ Rhodium Group, trong 3 - 5 năm tới, Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) có thể chiếm gần 80% công suất sản xuất chip 20 - 45 nm trên toàn cầu.
Còn trong phạm vi chip 50 - 180 nm, Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 30% và có thể giành 46% thị phần sản xuất trong một thập niên tới.
Ông Heron Lim - chuyên gia phân tích của Moody's Analytics - cho rằng: "Trung Quốc sẽ phát hành khoảng 139 tỷ USD trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn trong năm nay để tài trợ cho các dự án lớn phù hợp với chiến lược quốc gia, trong đó có việc tự chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng các dòng chip".
Theo WSJ, các nghĩ sĩ tại Hạ viện Mỹ đã cùng gửi thư tới Tổng thống, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện thương mại Mỹ để kêu gọi khẩn cấp hành động nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc của Mỹ vào chip cấp thấp của Trung Quốc bằng mọi cách, bao gồm cả chính sách thuế.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) - cho biết: "Tiến trình sản xuất chip trên 28 nm hiện Trung Quốc đang có ưu thế. Các kiểm soát sắp tới của Mỹ có thể đưa ra như cảnh báo của Bộ Thương mại Mỹ trong việc thống trị, chi phối thị trường chip của Trung Quốc trong dòng chip phổ thông, chip cũ chứ không còn là những dòng chip dưới 14 nm được ứng dụng ít hơn".
Đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cho biết có kế hoạch trao khoản tài trợ trị giá 162 triệu USD cho Microchip Technology nhằm hỗ trợ các nỗ lực sản xuất chip cấp thấp cho công ty này.
Một cuộc khảo sát tìm nguồn chip cấp thấp cho các doanh nghiệp Mỹ với lý do "giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia" cũng sẽ được Bộ Thương mại Mỹ thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Phản ứng trước thông tin liên quan đến những hạn chế có thể thực hiện với dòng chip cấp thấp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ siết chặt các biện pháp kiềm chế như vậy là "hành vi bắt nạt kinh tế toàn diện".
Trước viễn cảnh đó, nhiều nền kinh tế vốn nhập khẩu chip cấp thấp từ Trung Quốc cũng đang phải chạy đua tái cân bằng chuỗi cung ứng bán dẫn của chính mình nhằm đảm bảo nguồn cung chip trước những biến động của thị trường toàn cầu.
Cuộc đua tái cân bằng chuỗi cung ứng bán dẫn
Hồi tháng 4 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua Đạo luật Chip châu Âu (ECA), cung cấp gói đầu tư công và tư khổng lồ trị giá 43 tỷ Euro để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Theo giới chức EU, phần lớn các khoản đầu tư này sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất chip cấp thấp, vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Với đạo luật này, EU hiện đặt mục tiêu nâng thị phần trong thị trường chip toàn cầu từ mức 9% hiện nay lên 20% vào năm 2030.
Tại Nhật Bản, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida cũng đang đặt cược hàng chục tỷ USD vào tham vọng hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn. Theo thống kê của Bloomberg, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm qua, Tokyo đã chi 26,7 tỷ USD để tài trợ cho các dự án bán dẫn phục vụ thị trường nội địa, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu như TSMC tới mở nhà máy tại Nhật Bản để đảm bảo nguồn cung cấp chip sử dụng trong ô tô và điện thoại di động. Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi ra tổng cộng 10 nghìn tỷ yên, tương đương 66,75 tỷ USD để tăng gấp 3 lần doanh số chip sản xuất nội địa vào năm 2030.
Ngay cả một cường quốc bán dẫn là Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ ngành chip. Tháng 3 năm ngoái, đạo luật K-Chips đã được thông qua nhằm tăng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp bán dẫn. Một cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 471 tỷ USD cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Gyeonggi, dự kiến hoàn thành vào năm 2047. Bên cạnh đó, Seoul cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho việc đào tạo nhân tài, đơn giản hóa thủ tục và đưa ra nhiều ưu đãi khác để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 349 tỷ USD các sản phẩm chip để phục vụ sản xuất, cao hơn cả giá trị nhập khẩu các sản phẩm dầu khí, cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dịch chuyển theo hướng tập trung phát triển công nghệ. Tuy nhiên, trước những con sóng từ nhiều phía hiện nay, nỗ lực tự chủ bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự báo còn nhiều thách thức phía trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!