Công tác ứng phó và khắc phục sau bão
Trước đó, ngày 5/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công điện số 05/CĐ-BTTTT, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp viễn thông tập trung ứng phó bão ở mức độ cao nhất. Đồng thời, hơn 32 triệu thuê bao tại các vùng bị ảnh hưởng đã nhận được tin nhắn cảnh báo và hướng dẫn cụ thể nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cơn bão.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động gần 7.000 cán bộ trực tiếp tham gia ứng cứu thông tin và xử lý sự cố tại các trạm BTS. Lực lượng này được bố trí trực 24/24 để đảm bảo liên lạc thông suốt trong suốt thời gian bão diễn ra.
Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông cũng nhanh chóng tiến hành củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo an toàn trước bão. Cụ thể, 5.030 trạm cáp, 360 nhà trạm, 2.408 cột và 173 tuyến cáp đã được gia cố. Để phòng trường hợp mất điện, 284 máy phát điện cùng với nhiên liệu dự trữ đã được bổ sung cho các trạm BTS nhằm duy trì liên lạc liên tục.
Trong quá trình bão số 3 đổ bộ, các nhà mạng đã thực hiện chuyển vùng dịch vụ (roaming) tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Bắc Ninh để đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn.
Tại các khu vực mất liên lạc cục bộ, các trạm BTS lân cận đã tăng công suất phát sóng, đồng thời các máy phát điện dự phòng được triển khai để đảm bảo các trạm BTS hoạt động ổn định.
Theo báo cáo, bão số 3 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng viễn thông, bao gồm: 7 tuyến cáp quang liên tỉnh và 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh bị đứt, tuy nhiên, thông tin liên lạc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhờ các phương án dự phòng; 27 cột viễn thông bị gãy đổ, 6.285 vị trí mất liên lạc di động do mất điện nhưng các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng; tại Hải Phòng và Quảng Ninh, nhiều thuê bao cố định đã bị gián đoạn dịch vụ trong thời gian bão nhưng tình hình đang được khắc phục.
Dù bão gây ra nhiều thiệt hại về hạ tầng, lực lượng ngành viễn thông may mắn không có thiệt hại về người. Các doanh nghiệp đã phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, điều phối lực lượng và thiết bị từ các tỉnh lân cận để khắc phục sự cố nhanh chóng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều phối lực lượng, phương tiện, thiết bị từ các tỉnh lân cận hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của bão. Mục tiêu là trong ngày 8/9/2024 phải khôi phục thông tin liên lạc, đảm bảo mạng lưới viễn thông trên toàn bộ khu vực bị bão ảnh hưởng hoạt động ổn định và an toàn.
Nhà mạng nỗ lực khắc phục mạng lưới sau bão
Bão Yagi đã gây ra nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng viễn thông. Chính vì vậy, nhiều giải pháp được các doanh nghiệp viễn thông triển khai ngay sau khi bão số 3 đi qua. Cụ thể, các nhà mạng đã khẩn trương kết nối lại hệ thống các tuyến cáp viễn thông bị đứt, triển khai các xe phát sóng lưu động để đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực gãy đổ cột anten, tăng công suất phát của các trạm lân cận để đảm bảo vùng phủ sóng...
Xác định bão Yagi là cơn bão rất mạnh, trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, VNPT đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bão như: kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, nâng cao độ vững chắc cho các tuyến quang liên tỉnh; điều chuyển bổ sung, bố trí đầy đủ vật tư dự phòng; rà soát, kiểm tra các phương án an toàn thông tin trên toàn mạng lưới; gia cố nâng cao độ vững chắc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp với gần 1000 cán bộ kỹ thuật tại 63 tỉnh/thành phố, 225 xe ứng cứu thông tin, 623 máy nổ lưu động. Nhờ vậy đã giúp giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Nhân viên VNPT khắc phục mạng luới sau bão
Tại hai địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh, các nhà mạng đã huy động toàn bộ nhân viên trên mạng lưới xử lý sự cố nhằm phục hồi sớm nhất có thể. Trong đó, VNPT đã điều động gần 200 nhân lực kèm theo công cụ, dụng cụ hỗ trợ cho Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ vậy, đến trưa 8/9, VNPT đã khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tại thành phố Hải Phòng, do mất điện, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân vật lực. Dự kiến, sự cố sẽ sớm được khắc phục trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, Viettel đã tăng cường gần 500 đội ứng cứu thông tin với gần 8.000 người để hỗ trợ xử lý sự cố kỹ thuật tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi. Các đội chăm sóc khách hàng lưu động cũng được lập ra để hỗ trợ những cá nhân và hộ gia đình bị gián đoạn thông tin. Gần 200 điểm sạc pin đã được chuẩn bị thiết bị và nguồn điện sẵn sàng phục vụ người dân 24/24h.
Trong buổi sáng 8/9, Viettel đã khắc phục 1.710 vị trí mất điện, khôi phục 25 đường truyền dẫn, 5 vị trí đứt cáp trục, cáp nhánh.
Các nhà mạng cũng lắp đặt hàng trăm điểm sạc pin di động phục vụ 24/24 giờ, hỗ trợ cước thoại và dung lượng dữ liệu cho người dân.
Trước đó, các doanh nghiệp đã triển khai roaming tại các tỉnh bị ảnh hưởng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Quá trình roaming được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ phía người dùng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.
Bưu điện Việt Nam hoạt động trở lại ngay sau bão Yagi
Sau khi bão Yagi đổ bộ và gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực tại các tỉnh phía Bắc, một số điểm phục vụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang... đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và hàng hóa của khách hàng. Đến sáng 8/9/2024, các điểm phục vụ này đã hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân và khách hàng.
Dịch vụ của Bưu điện Việt Nam đã hoạt động trở lại
Trước và trong thời gian cơn bão diễn ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cùng các đơn vị có nguy cơ bị ảnh hưởng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống bão lụt nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, tài sản và hàng hóa của khách hàng. Nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt và phản ứng kịp thời, hầu hết các dịch vụ tại các khu vực bị ảnh hưởng đã được khôi phục.
Cụ thể, các dịch vụ như chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, thư tín, tài liệu, cùng với các dịch vụ hành chính công và tài chính bưu chính đã trở lại hoạt động bình thường tại các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình… Đặc biệt, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội đã được ưu tiên và nhanh chóng tổ chức tại các điểm chi trả và tận nhà người hưởng.
Trong suốt thời gian tạm ngừng do bão, Bưu điện Việt Nam đã liên tục theo dõi và cập nhật thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và thực hiện nghiêm Công điện số 05/CĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chủ động, khẩn trương ứng phó bão số 3, Yagi để đảm bảo dịch vụ được khôi phục nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách hàng trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!