Được tổ chức lần đầu vào năm 2019, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới, đó là "Make in Vietnam". Diễn đàn đã trở thành một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam với vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.
Hiện nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT. Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.
Do vậy, Nhà nước cần có chủ trương, định hướng và giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trong nước liên kết với nhau, hợp tác với nhau nhằm hình thành hệ sinh thái khai phá thị trường nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 với chủ đề Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đưa công nghệ số Việt Nam sang giai đoạn mới, đó là giai đoạn nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu khai mạc
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu năm 2022 ước tính đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, xuất khẩu công nghệ số ước tính đạt 136 tỷ USD, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo.
Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh, doanh nghiệp số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển đổi số quốc gia, vươn ra toàn cầu. Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là cái nôi để công nghệ số trưởng thành và tiến ra thế giới.
Diễn đàn thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức diễn đàn công nghệ số thường niên là hoạt động thiết thực.
Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, cần tập trung hơn vào vấn đề đào tạo nhân lực, việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cần đi sâu vào những mũi nhọn mới của thế giới.
Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Các diễn giả mang tới diễn đàn những chia sẻ mang tính chuyên môn, đề xuất những giải pháp, ý tưởng về phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Các chủ đề được trình bày và tập trung thảo luận tại diễn đàn bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; Hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các BigTech để đưa sản phẩm Make in Vietnam ra thị trường quốc tế...
Các diễn giả là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường trong và nước ngoài; đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như là Google, Samsung, Mediatek...
Cũng tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.
Lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022
Sau gần 6 tháng khởi động (20/6 - 15/10/2022), Ban tổ chức đã nhận được 218 hồ sơ. Từ các hồ sơ đăng ký, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm để chọn 12 đơn vị cao điểm nhất. Top 12 sẽ thuyết trình, bảo vệ trước các tiểu ban tương ứng (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) để lựa chọn Top 10 hồ sơ theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, đề cử vào vòng chung khảo.
Tại lễ công bố, giải thưởng được trao theo 4 hạng mục gồm: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số và Sản phẩm số tiềm năng.
Đại diện các đơn vị nhận giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022
Hoạt động bên lề diễn đàn là triển lãm với hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Triển lãm trưng bày, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!