Sau vụ tấn công khủng bố tại London, Anh cuối tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã cảnh báo, rằng môi trường mạng Internet đang trở thành nơi ẩn náu và phát tán tư tưởng khủng bố cực đoan, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước và các công ty công nghệ tăng cường quản lý nội dung đăng tải trên Internet. Phát biểu của bà May đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Trang Business Insider trích dẫn ý kiến của 3 ông lớn về công nghệ là Facebook, Google và Twitter khẳng định các công ty này đang làm mọi việc có thể để chung tay chống khủng bố.
Facebook cam kết trở thành "môi trường mạng nói không với khủng bố", kết hợp sử dụng công nghệ và con người để rà soát và loại bỏ các nội dung khủng bố khỏi nền tảng công nghệ này và báo cho cơ quan hành pháp để phối hợp xử lý.
Tương tự Facebook, Google khẳng định sẽ đảm bảo các phần tử khủng bố "không thể có tiếng nói trên mạng". Hãng này sẽ gỡ bỏ các video kích động bạo lực và các đường link có nội dung bất hợp pháp khỏi kênh Youtube và công cụ tìm kiếm Google.
Trong khi đó, Twitter cũng cam kết các nội dung khủng bố "không có chỗ" trên trang mạng này. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2016, Twitter đã đóng gần 400.000 tài khoản đăng tải nội dung kích động bạo lực.
Trang CNBC cho rằng nỗ lực từ phía các công ty công nghệ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng không kém là cần phải cải thiện quan hệ phối hợp giữa các công ty này với các cơ quan bảo vệ an ninh.
Trong trường hợp các công ty công nghệ không chịu hợp tác, trang BBC cho rằng cần phải có sự ra tay của các cổ đông và các đối tác quảng cáo. Sức mạnh từ các cổ phiếu và lợi nhuận quảng cáo có thể sẽ tạo được sức ép, buộc các ông lớn công nghệ phải thiện chí hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Financial Times khuyến nghị tăng cường liên minh của các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon. Liên minh này nên phối hợp với chính phủ và các tổ chức xã hội để đưa ra một bộ quy tắc trong đó xác định nội dung nào được chấp nhận đăng tải, nội dung nào vi phạm; đồng thời ứng dụng công nghệ và sử dụng nguồn lực con người để loại bỏ kịp thời các nội dung và địa chỉ xâm phạm.
Không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại nhưng đi kèm với nó là những bất cập đang bị các tổ chức khủng bố lợi dụng để phát tán tư tưởng cực đoan và kích động bạo lực. Do đó, để nâng cao hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố cần phải có sự phối hợp chủ động và tích cực hơn của các công ty công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!