Các công ty công nghệ vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ Chính phủ
Được biết đến là mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook là một trong những “nguồn dữ liệu” khổng lồ nhất toàn cầu. Do đó, việc chính phủ yêu cầu cung cấp dữ liệu về những người dùng được cho là nghi phạm cần điều tra và theo dõi không phải là điều quá ngạc nhiên.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Facebook, số lượng yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng của Chính phủ đã tăng 24% so với nửa cuối năm ngoái. Cụ thể, hãng đã nhận được 34.946 yêu cầu từ Chính phủ các nước chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014.
Trong số đó, Chính phủ Mỹ có số lượng yêu cầu nhiều nhất với 15.433 yêu cầu, liên quan đến 23.667 người. Kế đó, Ấn Độ dù ở vị trí thứ hai nhưng có số yêu cầu thấp hơn rất nhiều là 4.559, trong khi Pháp, Đức và Anh chỉ có hơn 2.000 yêu cầu cho mỗi nước.
Giống như Facebook, Google cũng thường xuyên nhận được yêu cầu từ Chính phủ và Tòa án trên khắp thế giới về việc cung cấp dữ liệu người dùng. Hãng cho biết đã nhận được khoảng 32.000 yêu cầu trong nửa đầu năm nay, trong số đó có hơn 12.000 yêu cầu đến từ Mỹ.
Trong nhiều năm qua, các công ty, doanh nghiệp chuyên về công nghệ đã bị luật pháp hạn chế trong việc công khai cho người dùng biết những yêu cầu của Chính phủ. Điều này khiến cho các các hãng lớn như Facebook, Twitter hay Google gặp nhiều tình huống khó xử. Do đó, nhiều công ty công nghệ đã kiện Chính phủ Mỹ nhằm xóa bỏ các hạn chế khi công khai các yêu cầu tiết lộ dữ liệu người dùng từ Chính phủ.
Đầu tháng 10 vừa qua, Twitter đã kiện Chính phủ Mỹ vi phạm quyền lợi của người dùng khi hạn chế công ty công bố số lượng yêu cầu thông tin cá nhân từ các tổ chức, cơ quan nhà nước.