Rạp chiếu phim đóng cửa mang lại lượng lớn người dùng mới cho Netflix và YouTube. (Ảnh: NYTimes)
Tuy nhiên, đây cũng được xem là con dao 2 lưỡi với nhiều thách thức, các hãng đang nỗ lực tìm hướng giải quyết.
Đối với lĩnh vực như hàng không hay bán lẻ, COVID-19 đang biến 2020 trở thành một năm kinh doanh tồi tệ nhất. Ngành hàng không được dự báo có thể thiệt hại đến 250 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, tình hình lại hoàn toàn khác biệt với nhiều tên tuổi công nghệ. Nhiều quốc gia đóng cửa, người dân hạn chế ra đường đã kéo nhu cầu mua sắm trực tuyến, làm việc và giải trí tại nhà bùng nổ.
Microsoft cho biết số lượng người dùng nền tảng công việc trực tuyến của hãng đã tăng đến 40% chỉ trong vòng 1 tuần. Amazon lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên do số đơn hàng tăng vọt. Đến cả Apple cũng vừa tung ra sản phẩm mới, dù vẫn đang phải đóng nhiều cửa hàng.
Tuy nhiên, không phải khách hàng cứ đổ xô tới là tình hình sẽ suôn sẻ. Một ví dụ là Zoom, dịch vụ gọi video và hội thảo trực tuyến đang phải loay hoay tính toán mở rộng hạ tầng do số người dùng tăng quá đột biến.
Bên cạnh Zoom, trong tuần vừa rồi, cả Netflix, YouTube đều đã hạ chất lượng video tại châu Âu, để hạn chế nghẽn mạng do quá nhiều người dùng truy cập. Facebook cũng chứng kiến số lượng quảng cáo sụt giảm, bất chấp lượng truy cập các ứng dụng nhắn tin tăng mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung giới công nghệ có đủ tiềm lực để vượt qua các vấn đề này về lâu dài. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đây vẫn là những thách thức tương đối khó chịu và có thể ảnh hưởng đến doanh thu cũng như vốn hóa của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!