Trong một bài blog được đăng tải hôm 16/4, Google cho biết đội ngũ bảo mật của họ đã phát hiện hàng triệu email gắn mã độc trong bối cảnh người dùng tìm kiếm và quan tâm nhiều tới nội dung về dịch bệnh COVID-19.
"Chỉ trong tuần qua, chúng tôi phát hiện hơn 18 triệu email lừa đảo, gắn mã độc mỗi ngày. Đây chỉ là phần nổi của hơn 240 triệu email, tin nhắn spam mỗi ngày liên quan tới những câu chuyện, mẩu tin tức, hay cập nhật số liệu về dịch COVID-19", Google cho biết.
Mặc dù đội ngũ an ninh của Google đã chặn đứng hầu hết các email này, nhưng công ty cảnh báo người dùng cần hết sức thận trọng do tin tặc đang "cố gắng tận dụng nỗi sợ hãi và không chắc chắn xung quanh đại dịch COVID-19" để từ đó gia tăng các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, hoặc thông tin cá nhân.
Một số kiểu lừa đảo phổ biến, dễ bắt gặp có thể kể đến như mạo danh các cơ quan y tế cộng đồng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để kêu gọi người dân quyên góp tiền ủng hộ vào một tài khoản nặc danh, hoặc phát tán phần mềm chứa mã độc. Hacker cũng thường bắt chước các cơ quan chính phủ để lừa đảo doanh nghiệp - những người đang đợi gói cứu trợ và phải hoạt động tại nhà do cách ly.
Một email lừa đảo, mạo danh làm cơ quan chính phủ bị Gmail phát hiện và cảnh báo người dùng.
Google cho biết các biện pháp bảo vệ của họ hiện nay chủ yếu dựa trên công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) giúp lọc 99,9% thư rác, lừa đảo và phần mềm độc hại.
Công ty cũng cho biết họ đã làm việc với WHO trong việc triển khai phương thức xác thực tin nhắn và tên miền (viết tắt là DMARC) nhằm gây khó khăn hơn cho những kẻ lừa đảo mạo danh Tổ chức Y tế Thế giới, và chuyển hướng các email này vào phần thư rác.
Chia sẻ thêm, Google cho biết đa số các phương thức lừa đảo được phát hiện không hề mới, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao do khai thác nỗi sợ hãi, và không chắc chắn của người dùng Internet liên quan tới dịch COVID-19.
Do đó hơn bao giờ hết, người dùng cần đề cao cảnh giác, duy trì sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là trước những email, tin nhắn có nội dung bất thường.
Google cũng đặc biệt khuyến nghị người dùng Internet không click vào các liên kết trong email mà bạn nghi ngờ, hoặc đến từ những địa chỉ lạ. Bạn cũng nên nhìn kỹ đường link xem chúng có thực sự đúng hay không, vì đa số liên kết lừa đảo có cấu trúc copy gần giống như nguyên bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!