Hướng đến một không gian mạng lành mạnh tại Việt Nam

TTXVN-Chủ nhật, ngày 16/06/2019 18:20 GMT+7

Hình minh hoạ

VTV.vn - Mạng xã hội đã, đang phát triển mạnh mẽ với hàng tỷ người sử dụng trên thế giới và hơn 60 triệu người dùng ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội nhưng phải nói rằng có không ít những vấn đề tiêu cực do mạng xã hội gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội và giới trẻ, đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Chưa tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam

Chỉ cần mở Google, đánh dòng chữ "kiếm tiền trên Internet", người đọc sẽ nhận được hàng trăm bài viết hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết cách kiếm tiền online từ các trang web hoặc qua các kênh Youtube, Facebook, Twitter... Như đối với Youtube, làm theo hướng dẫn khá đơn giản, người dùng chỉ cần có một tài khoản Google để tạo kênh; sau khi có kênh, tải video lên, người dùng có thể thu được tiền thông qua lượt xem.

Đồng thời, để tiếp tục thu hút người sử dụng, các mạng xã hội như: Facebook, Youtube... liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới, trong đó đáng chú ý nhất là các tính năng: live stream (truyền hình trực tiếp); tạo nhóm kín để trao đổi; gợi ý nội dung tương tự nội dung người dùng quan tâm hoặc thích xem (tính năng "Suggest" trên Youtube); hiển thị nội dung theo mối quan tâm của từng nhóm đối tượng cụ thể (tính năng tài trợ quảng cáo "Sponsored" của Facebook); đọc tin nhanh ("Instant Article" của Facebook); chia sẻ lợi nhuận quảng cáo đối với các video clip có nhiều lượt xem (Youtube); hashtag (cả trên Facebook, Youtube, công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, khi người dùng nhấn vào một hashtag có thể xem được tất cả nội dung đó)... Đây là những tính năng giúp cho việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa người dùng mạng xã hội trở nên rất tiện lợi và bí mật, đồng thời giúp cho các thông điệp mà người dùng mạng xã hội muốn chuyển tải đến những người khác vô cùng dễ dàng.

Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện, Việt Nam có hai loại mạng xã hội đang tồn tại là mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không có giấy phép (vì không lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam rất hạn chế.

Số liệu thống kê đến cuối năm 2018 cho thấy, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Với ước tính hơn 60 triệu người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một tài khoản trực tuyến để đưa ra những quan điểm cá nhân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc của người dân vào các mạng xã hội nước ngoài là do Việt Nam chưa xây dựng được một hệ sinh thái số đủ mạnh, với các dịch vụ Internet tương tự như Google, Facebook... để người dân có nhiều lựa chọn sử dụng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế...

Chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật; tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp với lực lượng công an xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là hoạt động quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: Facebook, Google, Youtube...

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu Youtube bỏ tính năng suggest (đề xuất xem) đối với các kênh đã có thông báo vi phạm, bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây; yêu cầu Youtube tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc phối hợp ngăn chặn gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm.

Bộ cũng yêu cầu Google, Youtube, Facebook nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh Công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng tại Việt Nam, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, quản lý nội dung đối với nhà nước. Hiện nay, Google và Facebook đang thu khoảng 400 triệu USD ở Việt Nam nhưng không có văn phòng đại diện, nên khi có sự cố, tranh chấp hoặc khiếu nại của khách hàng chỉ có thể liên lạc qua mail rất chậm, khó được giải quyết thỏa đáng cho người dùng...

Các hoạt động này được xem như quyết tâm "dọn rác trên mạng xã hội" của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng như đã nói tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/6/2019. Theo đó, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Vấn đề đầu tiên là phải thực hiện việc quét rác trên mạng xã hội. Đầu tiên từng người tham gia mạng xã hội không "xả rác'', dọn rác của chính mình. Các cơ quan, bộ ngành cũng phải thực hiện dọn rác; phải định nghĩa rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác. Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ quan giám sát, cơ bản có thể phân tích, đánh giá, phân loại. Sau khi các bộ, ngành xác định rác, thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ, kể cả mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam phải thực thi luật pháp Việt Nam... Nhà mạng có công cụ sàng lọc, chính quyền mạnh tay hơn, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thời gian tới, không gian mạng của Việt Nam sẽ lành mạnh hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước