Internet tại Ý quá tải vì nhiều người ở nhà chơi game trực tuyến
Chính phủ Ý đã quyết định phong tỏa cả nước vì dịch COVID-19 từ ngày 11/3 vừa qua để phòng chống sự lây lan của virus COVID-19. Nhà trường, quán ăn, cửa hàng bị đóng cửa, cấm tụ tập đông người, mọi hoạt động đi lại bị giám sát nghiêm ngặt... điều này khiến nhiều người đã chọn việc ở nhà để chơi game trực tuyến như một hình thức giải trí trong thời gian bị phong tỏa.
Theo nhà mạng lớn nhất nước Ý Telecom Italia SpA, lưu lượng Internet tại quốc gia này đã tăng hơn 70% kể từ khi đất nước bị phong tỏa, trong đó đa phần người dùng truy cập vào các tựa game trực tuyến nhiều người chơi như Fornite hay Call of Duty... vốn chiếm nhiều lưu lượng Internet hơn so với các ứng dụng họp trực tuyến dành cho những người làm việc tại nhà.
Nhiều người ở nhà chơi game trực tuyến để tránh dịch khiến mạng Internet trở nên quá tải (Ảnh minh họa)
Đặc biệt khi các tựa game trực tuyến này phát hành bản cập nhật, việc nhiều người chơi đồng loạt tải về các bản cập nhật có dung lượng lớn này cũng sẽ khiến Internet trở nên quá tải.
“Lưu lượng Internet thông qua hệ thống của chúng tôi đã tăng thêm 70%, trong đó đa phần đến từ những game trực tuyến như Fornite hay Call of Duty”, Luigi Gubitosi, Giám đốc điều hành của Telecom Italia SpA cho biết.
Không chỉ tại Ý mà nhiều quốc gia khác tại châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp hay Đức... cũng đã chứng kiến sự tăng tăng mạnh về lưu lượng kết nối Internet kể từ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu, một phần vì nhiều người đã chuyển sang hình thức làm việc tại nhà, một số khác do học sinh tập trung chơi game trực tuyến sau khi được nhà trường cho nghỉ học...
Telia Carrier, nhà mạng lớn nhất Thụy Điển và là một trong những nhà điều hành mạng lưới cáp quang lớn nhất thế giới cho biết lưu lượng Internet của nhà mạng này đã tăng lên thêm 2,7% chỉ trong tháng 2 và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3 này
Phát ngôn viên của nhà mạng Vodafone Group Plc (Anh) cho biết công ty cũng đã tăng thêm lưu lượng và khả năng đáp ứng của đường truyền Internet trong trường hợp chính phủ Anh đưa ra các biện pháp phong tỏa và buộc mọi người phải ở nhà trong thời gian tới.
Các dịch vụ truyền hình trực tuyến phải hạ chất lượng để giảm áp lực lên mạng Internet
Bên cạnh game trực tuyến thì nhiều dịch vụ xem truyền hình trực tuyến cũng là sự lựa chọn của không ít người tại châu Âu trong thời gian phải ở nhà để tránh dịch COVID-19, điều này cũng đã gây nên một áp lực rất lớn đến Internet tại khu vực này.
Để giảm thiểu áp lực, hàng loạt dịch vụ xem truyền hình trực tuyến lớn như Netflix, Amazon Prime, Apple TV Plus hay Youtube... cho biết sẽ giảm chất lượng video trên nền tảng của mình đối với người dùng tại châu Âu, khi mà lượng người xem tại khu vực này đã tăng lên nhanh chóng kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Disney Plus, dịch vụ xem truyền hình trực tuyến của Disney, dự kiến sẽ được ra mắt tại thị trường châu Âu từ ngày 24/3 tới đây, cũng cho biết sẽ giảm chất lượng video trên dịch vụ của mình với người dùng tại châu Âu khi ra mắt. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ lùi thời điểm ra mắt dịch vụ tại thị trường Pháp đến ngày 7/4.
Trước đó, Liên minh châu Âu đã đề nghị các nền tảng xem truyền hình trực tuyến giảm chất lượng dịch vụ của họ để nhằm đáp ứng sự gia tăng sử dụng Internet tại khu vực châu Âu và các dịch vụ xem truyền hình trực tuyến đã đáp lại bằng cách giảm chất lượng video của mình với người dùng tại châu Âu, từ mức phân giải cao xuống mức độ phân giải tiêu chuẩn.
Video độ phân giải cao đòi hỏi nhiều băng thông Internet hơn khi sử dụng, do vậy việc giảm chất lượng video sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống mạng Internet.
Nhu cầu sử dụng Internet đã tăng lên nhanh chóng tại châu Âu trong những tuần gần đây khi nhiều khu vực bị phong tỏa, buộc nhiều người phải làm việc tại nhà hoặc ở nhà để giải trí. Theo các chuyên gia, video có thể chiếm đến gần 70% lưu lượng mạng Internet tại châu Âu trong thời gian này, do vậy việc giảm chất lượng phát của các dịch vụ video trực tuyến có thể giúp góp phần giảm áp lực lên hệ thống mạng Internet để nhường băng thông cho người sử dụng các dịch vụ trực tuyến khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!