Kinh tế số khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 02/11/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế số khu vực Đông Nam Á được dự kiến sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 330 tỷ USD.

Theo báo cáo thường niên do Google, quỹ đầu tư Temasek Holdings của Singapore và tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company công bố ngày 1/11, nền kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng hàng năm 11% trong năm nay, chậm hơn so với mức 20% của năm ngoái. Tuy nhiên, về cơ bản, triển vọng kinh tế số khu vực được nhận định tích cực trong tương lai.

Theo báo cáo mới công bố của Google, Temasek Holdings và Bain&Company, các nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm nay, tăng 11% so với một năm trước bất chấp những trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Báo cáo cho biết, Đông Nam Á đã vượt qua những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô toàn cầu với khả năng phục hồi cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Niềm tin của người tiêu dùng đang bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2023 sau khi giảm xuống mức thấp hơn trong nửa đầu năm 2023.

Kinh tế số khu vực Đông Nam Á được dự kiến sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 330 tỷ USD. Theo báo cáo này, các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang cho thấy quỹ đạo tăng trưởng tích cực, với du lịch và vận tải đang trên đà vượt mức trước đại dịch vào năm 2024.

Kinh tế số khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 1.

Báo cáo cho thấy, khu vực Đông Nam Á với hơn nửa tỷ người, chủ yếu là dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, khiến khu vực này trở thành một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Ông Florian Hoppe - Tư vấn quản lý, Tập đoàn tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company: "Hiện tại, đây là thời điểm thú vị ở Đông Nam Á, nơi chúng ta có sự gia nhập của Alibaba, Tencent và toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số Trung Quốc, lần đầu tiên cạnh tranh trực tiếp với hệ sinh thái kỹ thuật số phương Tây mà chúng ta quen thuộc với Google, Facebook, Amazon. Tất cả những điều đó xảy ra trong một thị trường có một số đặc điểm độc đáo.

Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, nhanh nhất Đông Nam Á.

Báo cáo cho biết, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng tốc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Báo cũng cũng cảnh báo, kinh tế số khu vực vẫn đối mặt một số thách thức, nhất là nguồn đầu tư vào kinh tế số có sự sụt giảm do các trở ngại vĩ mô như lạm phát và chi phí vốn cao.

Kinh tế số khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 2.

Nguyên nhân kinh tế số tăng trưởng chậm lại

Ông Jayant Menon - Chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore: "Tôi nghĩ rằng sự chậm lại không phải là điều quá đáng lo ngại. Chúng ta đang có một sự gia tăng mạnh mẽ do những năm đại dịch, nơi mà nền kinh tế kỹ thuật số thực sự phát triển mạnh mẽ nhờ mô hình làm việc từ xa. Vì vậy, chúng ta chỉ thấy tốc độ tăng trưởng có phần chững lại sau đợt bùng nổ đại dịch đó. Chúng ta phải đặt điều này ở góc độ, đó không phải là một sự thay đổi đáng báo động trong triển vọng của nền kinh tế kỹ thuật số, nó chỉ là sự điều chỉnh cho sự gia tăng mạnh mẽ từ những năm đại dịch.

Tôi cũng nghĩ rằng, có sự khác nhau giữa các lĩnh vực. Vì vậy, nếu bạn chia nhỏ những con số đó, bạn sẽ thấy rằng, du lịch và lữ hành vẫn là công việc đang phát triển. Chúng ta đang ở trong thời điểm quốc tế rất bất ổn, tăng trưởng quốc tế không ổn định. Có rất nhiều điều không chắc chắn với nguy cơ xảy ra một số cuộc chiến tranh nên chi tiêu tiêu dùng nói chung đang giảm do sự không chắc chắn này nên cả ba yếu tố đóng vai trò, nhưng kết hợp lại thì không có lý do thực sự nào để lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế kỹ thuật số".

Khuyến nghị thúc đẩy kinh tế số

Theo ông Jayant Menon: "Đông Nam Á là một khu vực rất đa dạng, ví dụ như Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong việc mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số. Trên thực tế, tôi nghĩ báo cáo này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 20% ở Việt Nam. Vì vậy, nó thay đổi tùy theo quốc gia. Việt Nam có rất ít việc phải làm vì sẽ tiếp tục phát triển nền kinh tế kỹ thuật số khá nhanh chóng.

Kinh tế số khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 3.

Ở các quốc gia khác, nơi mức độ thâm nhập của nền kinh tế kỹ thuật số còn thấp, họ phải tiếp tục cải cách để khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Điều này bao gồm các nước láng giềng của Việt Nam, ở khu vực sông Mekong, Campuchia, Lào, Myanmar. Họ có rất nhiều việc phải làm. Và tất nhiên, có những quốc gia như Singapore nơi tôi sống, có những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, điều đó vẫn đang tiếp tục.

Nhưng hiện tại họ đang làm điều đó thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại kỹ thuật số, quyền hoặc các hiệp định kinh tế kỹ thuật số, cái gọi là hiệp định sâu sắc hơn. Tôi nghĩ, các nước ASEAN khác cũng nên xem xét việc ký kết các hiệp định thương mại kỹ thuật số này để tạo điều kiện đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Vì vậy, các cải cách trong nước cũng như các hiệp định quốc tế, hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ giúp tăng cường sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.

Như những thông tin từ chuyên gia, có thể thấy rằng triển vọng kinh tế số tại Đông Nam Á vẫn rất tích cực. Phát triển kinh tế số được khẳng định mang lại nhiều tiện ích, giúp nhiều người nghèo, người thiệt thòi tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ quan trọng, nhất là tài chính. Nhưng đồng thời, phát triển kinh tế số cũng có thể tạo ra các bất bình đẳng, nhất là giữa các khu vực, vùng miền. Vì thế, bài toán với các quốc gia trong hoạch định chính sách là đảm bảo rằng cần hạn chế sự gia tăng bất bình đẳng trong phát triển kinh tế số, thực hiện các chương trình phù hợp để quan tâm hơn nữa cho các cộng đồng nghèo, người yếu thế, người ở các vùng sâu, vùng xa tham gia tích cực vào phát triển kinh tế số tại khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kinh tế số

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước