Theo The Guardian, hai nhà văn Mona Awad và Paul Tremblay đã đệ đơn khiếu nại tập thể OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT lên tòa án liên bang San Francisco. Cả hai nhà văn đều cho rằng OpenAI đã vi phạm luật bản quyền khi đào tạo mô hình của Chat GPT dựa trên tiểu thuyết của họ mà không có sự cho phép.
Theo đơn khiếu nại, ChatGPT đã tạo ra một bản tóm tắt ngắn gọn và rất chính xác về tiểu thuyết của hai nhà văn. Các tác giả cho rằng, OpenAI đã thu lợi không công bằng khi đánh cắp nội dung và ý tưởng của mình. Hai nhà văn muốn nhận tiền bồi thường thiệt hại và đại diện cho tất cả tác giả ở Mỹ có tác phẩm bị sử dụng để đào tạo ChatGPT.
Luật sư của hai tác giả thông tin, mặc dù các tác phẩm hai nhà văn đã có bản quyền nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều công ty và ứng dụng trí tuệ nhân tạo như OpenAI, những tổ chức "hành xử như thể luật này không dành cho họ".
Đây là vụ kiện đầu tiên chống lại Chat GPT liên quan đến bản quyền, theo Andres Guadamuz - nhà nghiên cứu luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex, vụ kiện sẽ khám phá ranh giới pháp lý mới cho các công cụ trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, khó có thể chứng minh rằng các tác giả đã chịu tổn thất tài chính do ChatGPT vẫn có tóm tắt nội dung sách dựa trên nguồn dữ liệu công khai trên Internet, ví dụ như nội dung người dùng thảo luận về sách.
Kể từ khi ChatGPT được ra mắt vào tháng 11/2022, ngành xuất bản là một trong những ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng. Các cuộc thảo luận về cách bảo vệ tác giả khỏi những tác hại tiềm ẩn của công nghệ AI trở thành chủ đề nóng.
Các công cụ trí tuệ nhân tạo thường xuyên được đào tạo từ các dữ liệu từ sách, công cụ lưu trữ kiến thức cơ bản của con người. Có lẽ đây cũng chính là sự mỉa mai về trí tuệ nhân tạo, khi AI lại phải dựa vào dữ liệu do con người tạo ra để phát triển. Nếu AI tiêu diệt con người, cũng đồng nghĩa với việc nó đang tự phá hủy và trở nên vô nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!