Nhật Bản xem xét dự luật đặc biệt để thúc đẩy ngành bán dẫn

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 30/07/2024 07:07 GMT+7

VTV.vn - Các chất bán dẫn tiên tiến đã trở nên quan trọng đối với trí tuệ nhân tạo, vốn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho Nhật Bản trong bối cảnh dân số ngày càng giảm.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét một dự luật "cực kỳ đặc biệt" để bảo lãnh các khoản vay cho Rapidus - công ty sản xuất chip được Chính phủ nước này hậu thuẫn, nhằm giúp công ty thu hút các nhà đầu tư tư nhân và giảm sự phụ thuộc vào tiền thuế của người dân.

Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia, ông Yoshihiro Seki - nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho biết, đây là trường hợp cực kỳ đặc biệt bởi thông thường Chính phủ Nhật Bản không bảo lãnh các khoản vay cho các công ty cụ thể. Ông Yoshihiro Seki là một trong những nhân vật cấp cao của LDP về chính sách bán dẫn.

Giới phân tích dự đoán, Rapidus có thể sẽ cần 3.000 - 4.000 tỷ Yen (19 - 25 tỷ USD) tiền tài trợ trước khi có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở tỉnh Hokkaido vào năm 2027.

Theo ông Yoshihiro Seki, Rapidus có thể tiếp cận được hầu hết số tiền đó thông qua các khoản vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, ông thừa nhận, các tổ chức tài chính có thể ngần ngại cho công ty khởi nghiệp này vay trước khi công ty thực sự sản xuất được bất kỳ sản phẩm bán dẫn nào.

Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tài trợ khoảng 1.000 tỷ Yen cho Rapidus, song ông Seki cho rằng việc cung cấp hàng nghìn tỷ yen cho Rapidus mỗi năm không hề dễ dàng khi tính đến tình hình tài chính quốc gia hiện nay.

Các công ty bao gồm Sony Group và Toyota Motor đã đầu tư tổng cộng 7,3 tỷ yen vào Rapidus, nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số tiền cần thiết để sản xuất hàng loạt chip tiên tiến.

Ngày 24/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến nhà máy mà Radipus đang xây dựng tại Hokkaido, đồng thời cho biết chính phủ sẽ "nhanh chóng đệ trình lên Quốc hội dự luật cần thiết cho việc sản xuất hàng loạt chất bán dẫn thế hệ tiếp theo".

Theo ông Yoshihiro Seki, dự luật sẽ được trình lên Quốc hội sớm nhất là vào kỳ họp bắt đầu vào mùa Thu năm nay.

Hiện tại, luật pháp Nhật Bản quy định, Chính phủ không bảo lãnh các khoản vay cho các công ty cụ thể, trừ trường hợp khoản tài trợ đó mang lại lợi ích lớn cho người dân. Trước đây, Chính phủ đã bảo lãnh các khoản vay cho công ty điện lực Tokyo Electric Power Co. Holdings để công ty có thể hoàn tất việc bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ông Seki thừa nhận, việc đưa Rapidus vào khuôn khổ này là "ngoại lệ" nhưng đó là vì lý do an ninh kinh tế, bởi các chất bán dẫn tiên tiến đã trở nên quan trọng đối với trí tuệ nhân tạo (AI) vốn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh dân số ngày càng giảm.

Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh của Rapidus và mức độ hậu thuẫn của Chính phủ vì chip 2 nanomet tiên tiến mà công ty này đang cố gắng sản xuất sẽ chậm hơn 2 năm so với các đối thủ như TSMC và Samsung của Hàn Quốc - vốn đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất những con chip này vào cuối năm 2025.

Ông Yoshihiro Seki cho biết, Rapidus vẫn có cơ hội thành công, một phần là do thị trường ứng dụng AI dự kiến sẽ tăng trưởng, vượt qua năng lực sản xuất của các công ty hiện tại, một phần vì các nhà sản xuất chip toàn cầu có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp chip 2 nanomet đúng hạn do tính phức tạp của công nghệ.

Hơn 40% công ty Nhật Bản nói không với AI Hơn 40% công ty Nhật Bản nói không với AI

VTV.vn - Hơn 40% công ty Nhật Bản không có kế hoạch ứng dụng AI trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước