Theo khảo sát sát gần đây của Google tại Việt Nam, 53% trẻ em trong độ tuổi trung bình từ 10 - 12 tuổi sở hữu điện thoại thông minh smartphone và 48% sở hữu máy tính bảng. Đồng thời, smartphone là thiết bị được trẻ sử dụng để truy cập Internet nhiều nhất với 84%, so với máy tính để bàn, laptop hay máy tính bảng.
Việc các bé truy cập vào Internet hay "lên mạng" quá thường xuyên đang là một vấn đề đau đầu với các bậc phụ huynh.
Tạo cho trẻ một thói quen tích cực, lành mạnh khi sử dụng nội dung kỹ thuật số sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm và giảm bớt những lo ngại về môi trường Internet phức tạp.
Để xây dựng thói quen lên mạng tốt hơn cho trẻ, có 4 vấn đề phụ huynh cần chú ý:
Định hướng cho trẻ xem những nội dung lành mạnh
Nội dung không phù hợp lứa tuổi, bạo lực, tiêu cực là những lo ngại hàng đầu của phụ huynh khi cho con tiếp xúc với môi trường Internet thông qua thiết bị di động. Hiện tại, nhiều ứng dụng đã được tạo ra nhằm giúp phụ huynh kiểm soát hoạt động của trẻ. Tiêu biểu có thể kể đến Family Link, ứng dụng của Google mang đến cho phụ huynh nhiều giải pháp giúp con mình đưa ra những lựa chọn thông minh hơn.
Family Link cho phép các bậc phụ huynh kiểm soát những nội dung mà con cái họ tải xuống các thiết bị di động
Cha mẹ có thể cho phép hoặc chặn những ứng dụng trẻ muốn tải trên cửa hàng Google Play, cũng như nhận thông báo và trực tiếp tải những ứng dụng được giáo viên đề xuất về thiết bị của con. Family Link cũng cho phép cha mẹ quản lý các giao dịch mua hàng trong ứng dụng và ẩn các ứng dụng cụ thể trên thiết bị của con.
Hiện ứng dụng Family Link có cả phiên bản cho Android lẫn iOS.
Kiểm soát thời gian sử dụng
Việc để ý thời lượng sử dụng thiết bị di động và các ứng dụng, cũng như đảm bảo trẻ tuân thủ các quy tắc về giờ nghỉ ngơi có thể khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Phụ huynh có thể toàn quyền quyết định thời gian sử dụng phù hợp cho con mình nhờ chức năng đặt giới hạn giờ sử dụng và giờ nghỉ ngơi trên các thiết bị bằng ứng dụng Family Link.
Family Link có thể kiểm soát thời gian lướt web của con cái
Khóa thiết bị từ xa cũng là một trong những tính năng hữu ích giúp cha mẹ đảm bảo trẻ sẽ không thể "ăn gian" để chơi thêm vào giờ đi ngủ. Những tính năng này giúp phụ huynh duy trì sự cân bằng và điều độ trong hoạt động của trẻ.
Làm gương cho trẻ
Muốn tập cho trẻ thói quen tốt khi sử dụng mạng internet và thiết bị di động, trước tiên cha mẹ cũng phải làm gương. Không thể nào bắt trẻ hạn chế sử dụng điện thoại trong khi cha mẹ lúc nào cũng ôm khư khư điện thoại bên mình.
Digital Wellbeing có thể giúp bạn sử dụng điện thoại một cách tập trung và năng suất hơn
Các công cụ của Digital Wellbeing sẽ giúp bạn sử dụng điện thoại một cách tập trung và năng suất hơn bằng cách kiểm soát thời gian sử dụng các ứng dụng và xem video, tắt hoặc hạn chế thông báo từ các ứng dụng giúp giảm xao nhãng. Digital Wellbeing còn tích hợp các công cụ giúp bạn ngắt kết nối với công việc và giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị di động trong những khoảng thời gian nhất định, giúp đảm bảo cho bạn những khoảng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh nhằm cân bằng cuộc sống.
Trao đổi về những nguyên tắc an toàn khi sử dụng Internet
Đối thoại, trò chuyện trực tiếp giữa cha mẹ và các con là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ tại gia, nguyên tắc an toàn khi sử dụng Internet cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chỉ có 34% phụ huynh được khảo sát cho biết mình tự tin rằng vốn hiểu biết về nguyên tắc an toàn trên Internet của mình đủ để giáo dục và hướng dẫn con cái.
Do đó, Google đã tạo ra trang web giáo dục về sử dụng Internet cơ bản dành cho trẻ em mang tên Be Internet Awesome. Với thiết kế 3D hấp dẫn, sáng tạo, với những hình thức tương tác thú vị, đặt ra những tình huống trẻ có thể gặp phải hằng ngày trên môi trường internet, trẻ có thể vừa chơi mà học về những vấn đề rất cần thiết như phân biệt tin thật và tin giả, tránh các cạm bẫy lừa đảo, đánh cắp thông tin, các nguyên tắc bảo mật thông tin, tài khoản và nguyên tắc đạo đức ứng xử trên mạng.
Be Internet Awesome cho trẻ những nguyên tắc an toàn khi sử dụng Internet
Be Internet Awesome sẽ đưa các bé đến với thế giới Interland thần kỳ và chinh phục nhiều thử thách kỳ thú tại 4 vùng đất: Ngọn núi Cẩn trọng - Chia sẻ có chọn lọc; Dòng sông Thực tại - Phân biệt thật giả; Tòa tháp bảo vật - Bảo mật thông tin; Vương quốc Tử tế - Đạo đức ứng xử.
Ở mỗi vùng đất, bé sẽ phải vượt qua các thử thách khác nhau để học hỏi về những nguyên tắc an toàn khi sử dụng Internet.
Cùng với những điều nói trên, theo Google, để giúp trẻ tiếp cận và học hỏi từ Internet một cách lành mạnh và tích cực, không một công cụ nào có thể thay thế được vai trò và trách nhiệm của các bậc cha mẹ phụ huynh.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chú ý đến hoạt động của các con, cũng như áp dụng những nguyên tắc an toàn và các công cụ hữu ích để bảo vệ, quản lý và hướng dẫn trẻ trong quá trình học hỏi, giải trí qua môi trường Internet.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!