Bên cạnh các điểm nóng toàn cầu chưa hạ nhiệt thì quản trị trí tuệ nhân tạo đã và đang tiếp tục là chủ đề được thảo luận tại nhiều diễn đàn. Dù đã có những bước đi từ nhiều quốc gia, song vẫn còn những quan điểm khác nhau về quản trị trí tuệ nhân tạo.
Trong nỗ lực mới nhất, chỉ hai ngày nữa, Anh dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên về Trí tuệ nhân tạo. Hội nghị nhằm thảo luận về những rủi ro do trí tuệ nhân tạo gây ra nhằm xây dựng đồng thuận quốc tế về phát triển an toàn trí tuệ nhân tạo. Trước thềm Hội nghị, lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều nước cũng kêu gọi tăng cường quản trị toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.
Theo những báo cáo mới nhất, Liên hợp quốc khẳng định trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đem lại nhiều lợi ích, song đi kèm với đó là không ít các rủi ro.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: "Những tác hại tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến những lo ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch, các thành kiến, phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, gian lận và các hành vi vi phạm nhân quyền khác".
Theo nghiên cứu mới công bố của Anh, trí tuệ có tiềm năng tăng cường năng lực của các phần tử khủng bố trong phát triển vũ khí, lập kế hoạch tấn công và sản xuất các tài liệu tuyên truyền. Báo cáo cảnh báo, đến năm 2025, trí tuệ nhân tạo có khả năng khuếch đại những rủi ro hiện có hơn là tạo ra những rủi ro hoàn toàn mới, làm tăng mạnh tốc độ và quy mô của một số mối đe dọa.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak: "Trí tuệ nhân tạo có thể giúp việc chế tạo vũ khí hóa học hoặc sinh học trở nên dễ dàng hơn, các nhóm khủng bố có thể sử dụng AI để gieo rắc nỗi sợ hãi và hủy diệt trên quy mô lớn hơn, tội phạm có thể khai thác AI để tấn công mạng, thông tin sai lệch, lừa đảo hoặc thậm chí lạm dụng tình dục trẻ em. Và trong những trường hợp khó xảy ra nhất nhưng cực đoan nhất, thậm chí còn có nguy cơ nhân loại có thể mất quyền kiểm soát hoàn toàn trí tuệ nhân tạo, thông qua loại AI được gọi là siêu trí tuệ".
Trước những rủi ro này, Liên hợp quốc tuần qua cho biết, đã thành lập một ban cố vấn cấp cao gồm 39 thành viên là các giám đốc điều hành các công ty công nghệ, quan chức chính phủ, học giả để giải quyết các vấn đề trong quản trị quốc tế về trí tuệ nhân tạo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Cơ quan cố vấn này là điểm khởi đầu và nhóm này sẽ hoạt động độc lập, hoạt động theo một số nguyên tắc cơ bản. Những nỗ lực của cơ quan cố vấn sẽ mang tính toàn diện và dựa trên các giá trị phổ quát được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Ban cố vấn sẽ hoạt động nhanh chóng, chạy đua với thời gian để có thể đưa ra các khuyến nghị sơ bộ vào cuối năm nay".
Anh cũng ủng hộ chủ trương trên. Trước đó, Anh cho biết sẽ thành lập Viện An toàn AI đánh giá các rủi ro từ trí tuệ nhân tạo với mục đích nâng cao nhận thức, tiến hành các hoạt động đánh giá, thử nghiệm các loại hình công nghệ trí tuệ nhân tạo, từ đó đưa ra các đánh giá về rủi ro, tác động xã hội và các vấn đề khác.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak: "Tôi tin rằng chúng ta nên lấy cảm hứng từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, được thành lập để đạt được sự đồng thuận khoa học quốc tế. Vì vậy, tôi sẽ đề xuất chúng ta thành lập một hội đồng chuyên gia toàn cầu thực sự, được đề cử bởi các quốc gia và tổ chức tham dự để xuất bản một báo cáo khoa học về trí tuệ nhân tạo".
Mới nhất, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí về bản dự thảo nguyên tắc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cho thấy một bước đi tích cực trong nỗ lực giảm rủi ro liên quan công nghệ mới nổi này.
Trong bối cảnh hiện tại, khi vẫn chưa có hiểu biết chung về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo với con người, trong khi, công nghệ này lại đang phát triển nhanh chóng. Giới chuyên gia nhận định, bên cạnh sự chung tay giới hoạch định chính sách, các công ty công nghệ thì cần có sự tham gia của các doanh nghiệp để có cái nhìn tổng thể trong đánh giá rủi ro, hiểu biết của con người về trí tuệ nhân tạo, khai thác các lợi ích từ công nghệ này.
Doanh nghiệp và vấn đề quản trị trí tuệ nhân tạo
Theo những khảo sát mới nhất, trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều tiện nghi, giúp quá trình tự động hóa ngày càng được đẩy nhanh song cũng tạo ra những lo ngại với thị trường lao động.
Báo cáo mới nhất của OECD cho biết, cứ 5 lao động thì có 3 người lo sợ rằng họ có thể mất việc vào tay trí tuệ nhân tạo trong 10 năm tới. Các công việc có nguy cơ tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở các quốc gia thành viên. Trong khi một khảo sát của Mỹ cho thấy, 35% người được hỏi quan ngại về trí tuệ nhân tạo như lo sợ công nghệ sẽ lấy mất việc làm. Trong khi, theo các nhà phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi còn đến nhanh hơn nhiều so với mức các chính phủ, doanh nghiệp chuẩn bị.
Theo các nhà phân tích, để giảm thiểu các tác động từ trí tuệ nhân tạo đến thị trường lao động, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ và hợp tác từ các nhà hoạch định chính sách, các công ty công nghệ. Tuy nhiên cho đến nay, hầu hết các cuộc đàm phán về vấn đề này đang thiếu sự tham gia của những doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động.
Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, các lãnh đạo doanh nghiệp ngoài lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo cần chủ động đưa ra các giải pháp thực tế hơn và chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai để tương thích với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong số này có việc thực hiện các chương trình nâng cao, đào tạo lại kỹ năng nhằm đem đến cơ hội cho lao động trong thích ứng với sự thay đổi của công nghệ.
Rõ ràng là vẫn còn những nhận định khác nhau về lợi ích, rủi ro từ trí tuệ nhân tạo đến đời sống con người. Vì thế, quản trị trí tuệ nhân tạo ra sao để không cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ nhưng vẫn đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro từ công nghệ tới con người, sử dụng công nghệ an toàn, đó là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp công nghệ, phi công nghệ phải cùng tìm lời giải.
Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên tại Anh sẽ tạo ra những nền móng cơ bản cho những vấn đề này. Và như chính Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, khi chúng ta vẫn chưa có sự hiểu biết chung về những rủi ro phải đối mặt, chúng ta không thể hợp tác cùng nhau để ứng phó. Và hội nghị này sẽ tạo ra những nền tảng để đưa ra các nhận thức chung để đảm bảo rằng, khi rủi ro gia tăng thì sự hiểu biết chung của con người cũng tăng theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!