Ảnh minh họa.
Với ưu thế có độ tương tác cao và giá rẻ hơn hẳn những cách quảng cáo truyền thống, quảng cáo qua các mạng xã hội đang trở thành một xu thế mới.
Hiện nay, có đến hơn một nửa người dùng mạng xã hội thường xuyên like hay theo dõi các thương hiệu ưa thích. Theo nghiên cứu của trường Đại học Marketing, Mỹ, quảng cáo qua mạng xã hội dự tính sẽ tăng trưởng đến 70% trong năm tới. Thế nhưng, quảng cáo qua mạng xã hội cũng ẩn chứa rất nhiều góc tối...
Theo nhận định trên tờ Forbes, 3/4 những người trẻ rất ít khi xem tivi hay đọc báo, nhưng lại luôn giữ khư khư điện thoại hay máy tính để truy cập mạng xã hội. 1,5 tỷ người dùng thường xuyên của Facebook và Twitter... là thị trường trong mơ cho các nhà tiếp thị.
Tờ Huffington Post nhận định, quảng cáo qua mạng xã hội đã trở thành thiết yếu trong chiến lược quảng cáo của đến 80% các doanh nghiệp. Nhiều người dự đoán, mạng xã hội sẽ thay thế tivi, báo chí hay email trở thành tương lai của ngành quảng cáo.
Thế nhưng, có thực là như vậy? Khi theo tờ Mashable, quảng cáo qua mạng xã hội đã dần làm cho doanh nghiệp đi lạc hướng, vì ảo tưởng về số người theo dõi khổng lồ. Nhưng tăng người theo dõi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tăng doanh thu.
Tờ Huffington Post nhận định, vì quy trình quá đơn giản nên rất nhiều doanh nghiệp chỉ đâm đầu vào tạo tài khoản mạng xã hội, mà thậm chí còn không có chiến lược quảng cáo rõ ràng.
Hậu quả là chỉ có vỏn vẹn 8% khách hàng tỏ ra hài lòng với cách mà các doanh nghiệp tương tác trên mạng xã hội. Gần 1/3 khách hàng cho rằng, doanh nghiệp không hề để tâm trả lời những bình luận của họ trên các mạng xã hội. Và những trải nghiệm tiêu cực này cũng có nghĩa, khách hàng có thể sẽ không quay trở lại.
Chưa kể, theo tờ Economist, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng cũng là con dao hai lưỡi. Trước đây, nếu muốn tố cáo những sai phạm của doanh nghiệp thì phải rất mất công sao chụp tài liệu rồi tuồn ra ngoài. Còn hiện nay, chỉ một bức ảnh hay một dòng tweet là đủ để những thông tin bất lợi này được chia sẻ ngay cho cả thế giới.
Tờ Forbes đã trích lời ông Jeff Wilson, Giám đốc Quan hệ khách hàng của Sensei Marketing, cho rằng mạng xã hội sẽ khuyến khích tâm lý tiêu cực của khách hàng. Bởi khách hàng dùng mạng xã hội thường không có cảm giác tội lỗi nếu nói xấu doanh nghiệp, họ hay hòa theo đám đông, và không cần có trách nhiệm với những nhận xét của mình bởi tính ẩn danh. Vì vậy, số nhận xét bất lợi về doanh nghiệp trên mạng xã hội cao hơn rất nhiều so với trên thư hay email.
Thêm vào đó, tờ Raffler cho biết, chỉ riêng Facebook có đến 80 triệu tài khoản ảo. Những tài khoản này phần lớn là do một số doanh nghiệp giả mạo, tiến hành những cuộc công kích nhận xét tiêu cực lên đối thủ. Điều này rất nguy hiểm với các doanh nghiệp, bởi đến 80% khách hàng sẽ tìm đọc những nhận xét này trước khi mua hàng, mà không xác thực được độ tin cậy.
Theo Economist, mạng xã hội có thể là vũ khí tối thượng để quảng bá doanh nghiệp, nhưng cũng có thể quay đầu phá huỷ tiếng tăm thương hiệu trong chớp mắt. Ngày nay, bất cứ ai với một tài khoản mạng xã hội đều có quyền lực chia sẻ thông tin ngang với những chuyên gia quảng cáo. Nếu không muốn làm phật lòng những khách hàng quyền lực này, có lẽ điều duy nhất các doanh nghiệp có thể làm là phải tự hoàn thiện.