Các bác sĩ và nhà khoa học tại nhiều nơi trên thế giới đang nghiên cứu những nanobot để khiến việc sử dụng công nghệ nano vào chữa bệnh sẽ không còn là lý thuyết.
Mới đây, Đại học Edinburgh đã tạo ra nanobot được làm từ oxit sắt, hình cầu, có kích thước bằng khoảng 1/20 tế bào hồng cầu của con người và có thể được điều khiển từ xa để di chuyển sâu vào bên trong bộ não của con người. Các robot nano này có chứa thrombin, một loại enzyme quan trọng trong quá trình đông máu và viêm.
Trong các thử nghiệm, hàng trăm tỷ nanobot đã được tiêm vào động mạch và được điều khiển đến vị trí phình động mạch bằng nam châm và quét siêu âm thời gian thực. Khi đến nơi, các nanobot được làm nóng đến 43 độ C bằng từ trường xen kẽ để làm tan lớp phủ bảo vệ và giải phóng thuốc đông máu đến đúng vị trí. Kết quả cho thấy sau khi quá trình đông máu xảy ra, phình động mạch biến mất, để lại một mạch máu khỏe mạnh.
Tiến sĩ Qi Zhou của Đại học Edinburgh, đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nanorobot sẽ mở ra những ranh giới mới trong y học, cho phép thực hiện phẫu thuật với ít rủi ro hơn so với các phương pháp điều trị thông thường và đưa thuốc vào các bộ phận khó tiếp cận của cơ thể với độ chính xác cao. Đây là bước quan trọng hướng tới việc đưa các công nghệ này đến gần hơn với việc điều trị các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng trong môi trường lâm sàng".
Công nghệ nano ứng dụng trong y tế có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí để ứng dụng nó trên diện rộng còn khó khăn. Nanobot hiện chỉ được thử nghiệm trên động vật và trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học hy vọng có thể sớm chuyển sang thử nghiệm trên người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!