Bà Angela Merkel có thể không xa lạ gì với nhiều người. Nhưng với những ai không biết về Thủ tướng Đức, dùng một phần mềm trên điện thoại như Blippar, họ có thể dễ dàng có được những thông tin cần biết. Blippar hiện có thể nhận biết gương mặt của 370.000 nhân vật công chúng.
Năm ngoái, giới công nghệ xôn xao vì phần mềm FindFace của Nga thể hiện khả năng nhận dạng khuôn mặt có độ chính xác 70% bằng việc so sánh một tấm hình chụp ngẫu nhiên với hình ảnh trên một mạng xã hội ở Nga. Facebook, với 2 tỷ người dùng và một ngân hàng khổng lồ về ảnh chân dung, có thể sử dụng những dữ liệu này để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.
Bà Frederike Kaltheuner, Tổ chức vì quyền riêng tư Privacy International, nói: "Vấn đề nằm ở chỗ khuôn mặt là thứ định danh duy nhất. Nó có tiềm năng liên kết các thông tin và những điều tồn tại về bạn trong thế giới này. Có một kịch bản mà tôi sợ sẽ xảy ra, đó là bạn không còn sự riêng tư ở nơi công cộng nữa. Khi bạn đi trên đường, ai đó chỉ cần quét mặt là có thể tìm ra những thông tin ngẫu nhiên về bạn và bạn không có cách nào kiểm soát điều đó".
Sự khác biệt lớn nhất giữa khuôn mặt và các dữ liệu sinh trắc học khác như vân tay, là khả năng nhận biết được từ xa. Khuôn mặt còn hiển thị nhiều thông tin mà không chỉ con người, máy móc cũng có thể đọc được. Một nghiên cứu từ Đại học Stanford mới đây cho thấy các thuật toán có thể nhận biết giới tính con người với độ chính xác lên tới 81% chỉ qua một bức ảnh. Điều này dẫn tới lo ngại về việc lạm dụng phần mềm phát hiện khuôn mặt để vi phạm quyền riêng tư hoặc để chống một nhóm thiểu số trong xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!