60 vệ tinh Starlink xếp gọn trong tên lửa Falcon 9 khi chuẩn bị phóng hồi tháng 5. Ảnh: SpaceX/Elon Musk.
ITU là cơ quan quản lý các phổ tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh trên toàn thế giới. Giám đốc dịch vụ không gian của ITU Alexandre Vallet xác nhận hôm 7/10, Ủy ban Thông tin liên lạc liên bang Mỹ đã gửi tới ITU 20 hồ sơ, trong đó, mỗi hồ sơ xin cấp phép đưa 1.500 vệ tinh vào không gian. Trước đó, yêu cầu của SapceX đưa 12.000 vệ tinh vào không gian để gia nhập mạng lưới vệ tinh hỗ trợ Internet chất lượng cao Starlink đã được ITU chấp nhận. Như vậy, nếu các hồ sơ mới được phê duyệt, SpaceX sẽ tiếp tục phóng vào không gian 30.000 vệ tinh khác. ITU đã đăng tải 20 hồ sơ xin cấp phép cho các vệ tinh của SpaceX trên trang web của cơ quan này.
Trong khi đó, người phát ngôn của SapceX tuy không trực tiếp xác nhận số lượng vệ tinh mới đăng ký nhưng khẳng định công ty đang thực hiện các bước đi cần thiết để điều chỉnh "một cách có trách nhiệm" khả năng của mạng lưới Starlink nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng. Mục đích chính của mạng lưới Starlink là kết nối nhiều vệ tinh mini để đẩy nhanh tốc độ tương tác giữa người dùng và nhà cung cấp mạng Internet. Tháng 5 vừa qua, SpaceX đã phóng 60 vệ tinh đầu tiên trong dự án này và cho biết chùm vệ tinh vừa phóng sẽ đi vào phục vụ các quốc gia như Canada và vùng Bắc Mỹ trong năm tới. SpaceX sẽ cần thực hiện 24 đợt phóng tiếp theo để có thể có đủ vệ tinh phục vụ toàn thế giới.
Xét trong điều kiện hiện tại, khoảng 2.100 vệ tinh đang hoạt động quanh Trái Đất trên tổng số 23.000 vật thể được ghi nhận. Vì vậy, việc bổ sung thêm 42.000 vệ tinh có thể gây quan ngại vì hai lý do. Thứ nhất, các nhà thiên văn học cho rằng những vệ tinh này có thể chắn tầm quan sát của các đài quan sát thiên văn trên Trái Đất. Ngay từ khi nhóm vệ tinh đầu tiên của SpaceX được phóng, nhiều nhà thiên văn học cho biết đã quan sát thấy một dải ánh sáng trắng. Thứ hai, việc có quá nhiều vệ tinh bay ở quỹ đạo Trái Đất thấp, với khoảng cách tối đa chỉ 2.000 km, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. SpaceX cho biết 3 trong số nhóm 60 vệ tinh đầu tiên được phóng đã ngừng hoạt động sau khi được triển khai đồng thời khẳng định có giải pháp xử lý những vệ tinh lỗi, tránh va chạm với các vệ tinh khác. Tuy nhiên, một tai nạn hồi tháng trước cho thấy các quy trình mà SpaceX nhắc tới không thực sự luôn hiệu quả. Cụ thể, Cơ quan Không gian vũ trụ châu Âu (ESA) đã phải điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh Aeolus để tránh va chạm với một vệ tinh của Starlink. Dù ESA đã cố gắng liên lạc với SpaceX về sự cố những không nhận được phản hồi vì SpaceX không nhận được tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!