Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ

Hương Dung (Tổng hợp)-Thứ tư, ngày 27/07/2022 11:28 GMT+7

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Báo Điện tử ĐCSVN)

VTV.vn - Hội thảo “Đề xuất kế hoạch và lộ trình tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất là nội dung chính trong Hội thảo do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức vào ngày 30/6 vừa qua.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNSC cho biết: Tháng 2/2021, Chính phủ Việt Nam công bố Quyết định số 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan  đến quốc phòng, an ninh; quản lý tài nguyên môi trường; giám sát, hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; cung cấp đa dịch vụ cho người dân, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước; góp phần bảo đảm độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm lợi ích quốc gia.

Trong Chiến lược vũ trụ mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái". Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho VNSC phối hợp với các đơn vị của viện và các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Ngay trong đầu năm 2021, "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở đường cho sự phát triển về khoa học và công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới. Thông qua các chương trình vũ trụ, Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tạo ra thị trường mới và khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ... Tuy nhiên, công nghệ vũ trụ là ngành học còn khá mới mẻ và lạ lẫm ở Việt Nam. Hiện chỉ có 3 trường đào tạo nhân lực cho ngành này là: ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra, mỗi năm Việt Nam chịu thiệt hại không nhỏ về người và tài sản do thiên tai gây ra. Nếu có hình ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập lụt, từ đó có những cảnh báo đúng, tổ chức sơ tán đúng để giảm thiệt hại. Còn rất nhiều những ứng dụng quan trọng khác mang lại những lợi ích không thể tính cụ thể ra tiền được như phục vụ cho công tác qui hoạch, truy tìm nguồn gốc các vệt dầu loang, các chuyên nhân gây ô nhiễm trên biển, kiểm soát tàu thuyền đi trên biển…

Tại hội thảo, các chuyên gia vũ trụ của Nhật Bản đã gợi ý về mục tiêu, giải pháp, kế hoạch tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ. Từ những ý kiến đó, VNSC tham khảo hoàn thiện Đề án "Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái" để báo cáo lên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi của đề án.

Các chuyên gia Nhật Bản gợi ý mục tiêu là tạo lộ trình cho việc ứng dụng chùm vệ tinh nhỏ và công nghệ khác ở Việt Nam, khảo sát khả năng tận dụng hiệu quả nhất dữ liệu vệ tinh và nền tảng dữ liệu vệ tinh cùng các ứng dụng nâng cao với các công ty tại Việt Nam. Khảo sát khả năng ứng dụng tích hợp các vệ tinh sẵn có cùng với cơ sở hạ tầng của chúng.

Đồng thời, các chuyên gia đề xuất cần kết hợp sử dụng giữa vệ tinh và cơ sở mặt đất sẵn có của Việt Nam; sử dụng hiệu quả dữ liệu vệ tinh và nâng cao năng lực nhà nước, viện nghiên cứu và tư nhân. Nhanh chóng xác nhận biến đổi khí hậu, thiên tai và các cơ sở hạ tầng đã tổn thương bằng công nghệ vũ trụ và dữ liệu mặt đất phục vụ an toàn quốc gia. Bảo đảm tự do và minh bạch đối với các phương tiện biển và các đối tượng khác trong các hoạt động hàng hải bằng chùm vệ tinh. Lập các nhóm chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ…

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), cơ quan nghiên cứu quốc gia trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), được thành lập vào năm 2011 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như là một đơn vị chủ chốt tập trung vào việc phát triển công nghệ vệ tinh và các ứng dụng liên quan. Một trong số các mục tiêu quan trọng là thực hiện, tiếp nhận, quản lý, và vận hành dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm đã xác định tầm nhìn trở thành "Trung tâm Vũ trụ Quốc gia", và trong 10 năm qua đã từng bước phát triển và hình thành bốn trụ cột chính: Công nghệ Vũ trụ; Ứng dụng Vũ trụ; Khoa học Vũ trụ; Đào tạo và Phổ biến kiến thức Vũ trụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước