Chuyên gia phụ trách an toàn của ứng dụng hẹn hò Tinder đã chỉ ra một số dấu hiệu để người dùng tránh được những trường hợp lừa đảo trên ứng dụng này.
Hình ảnh của quá hoàn hảo
Bạn nên cảnh giác với những hình ảnh quá hoàn hảo và lung linh. Hiện nay, có rất nhiều tài khoản mạo danh sử dụng hình ảnh của diễn viên, ca sĩ - những người có cả một ekip để tạo ra những tấm ảnh bắt mắt nhất. Khi gặp những trường hợp này, hãy thận trọng khi tương tác!
Họ mong muốn bạn hỗ trợ tài chính
Nếu người mà bạn đang tìm hiểu trên mạng thường xuyên than thở rằng họ đang gặp rắc rối về tài chính và cần bạn giúp đỡ, ví dụ như xe hỏng, tiền nhà chưa đóng, cần tiền mua vé về thăm gia đình ở dưới quê, thì hãy dứt khoát từ chối. Đó không phải là vấn đề của bạn và việc tử tế nhất bạn có thể làm là khuyên họ đi vay và sẵn tiện bạn hãy chào tạm biệt họ luôn.
Tinder chỉ ra 8 dấu hiệu nhận diện đối tượng lừa đảo trên ứng dụng xã hội
Họ không muốn gọi video Face to Face
Các ứng dụng mạng xã hội như Tinder luôn nỗ lực đem đến những tính năng mới như chat qua video Face to Face hay xác minh qua ảnh chính là vì mục đích bảo vệ người dùng. Nếu vì một lý do nào đó mà camera của đối phương luôn hỏng, và họ không thể gửi hình hay gọi Face to Face với bạn thì đây có thể là dấu hiệu họ không phải là người trong những tấm hình lung linh trên profile kia.
Khi bạn và đối phương đã nói chuyện được một thời gian nhưng họ luôn tìm đủ lý do để từ chối gọi video, khả năng cao họ không như những gì họ nói.
Họ tiến triển quá nhanh
Khi bạn còn chưa gặp mặt người ấy ngoài đời thực nhưng họ đã muốn có một mối quan hệ chính thức với bạn, hãy gửi cho họ một biểu tượng cảm xúc bày tỏ sự e ngại. Có rất nhiều "cú lừa" bắt đầu với việc "chốt kèo" chóng vánh, nên tốt hơn hết bạn hãy từ chối những tương hợp như thế này. Đừng quá lo lắng đánh mất cơ hội vì nếu họ thực sự thích và quan tâm đến bạn, họ sẽ sẵn sàng tôn trọng ý muốn của bạn thôi.
Những gì họ kể nghe có vẻ "hơi quá"
Nếu đối phương của bạn vừa là một chuyên viên cao cấp ở một trong những ngân hàng hàng đầu, vừa làm người mẫu bán thời gian, có đam mê mãnh liệt với xe phân khối lớn, và thường xuyên chia sẻ những tấm hình nghỉ dưỡng "sang chảnh". Hãy cẩn thận với những câu chuyện "hơi quá" như thế này nếu không muốn "cắn câu" bạn nhé!
Mạng xã hội của họ phủ bụi
Với thời đại mạng xã hội hiện nay, hầu như ai cũng có kha khá hình ảnh trên các trang Facebook hay Instagram và vài trăm người theo dõi. Không thể phủ nhận có khá nhiều người không thích chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng không ít trong số đó là những nick ảo.
Vì thế, khi đối phương chỉ có vài người theo dõi và lẻ tẻ vài bài đăng, hãy tìm thêm dữ liệu ở các phần hình ảnh được tag bởi bạn bè của họ. Nếu vẫn không thấy gì thì hãy hỏi họ rõ ràng vì có lẽ người ấy không trung thực về danh tính của họ.
Có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp
Chẳng mấy ai vui vẻ khi liên tục bị người khác chỉnh sửa câu từ. Nhưng nếu một người tự nhận họ đến từ quốc gia nói tiếng anh mà lại gặp nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp khi trò chuyện cùng bạn, hãy hỏi thêm vài câu. Khả năng cao bạn sẽ bắt quả tang lời nói dối của họ khi tiếp tục hỏi chuyện, và hãy chấm dứt cuộc trò chuyện tại đó.
Họ luôn viện cớ để không gặp gỡ ngoài đời thực
Chắc hẳn đây là tín hiệu dễ nhận biết nhất khi ai đó đang che giấu điều gì về danh tính của họ. Khi bạn đã trò chuyện cùng với một đối tượng "tiềm năng" đã một thời gian, nhưng người ấy lại luôn có hàng ngàn lý do để né tránh việc gặp mặt. Rất có thể do họ không phải là người trong ảnh đại diện đâu! Nên việc gặp gỡ bạn ngoài đời sẽ khiến lớp ngụy trang của họ bị phát giác ngay thôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!