Nguyên nhân là bởi đây là giai đoạn các công ty phải điều chỉnh hoạt động sau thời gian bùng nổ dịch vụ nhờ tác động của các lệnh hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19.
Năm 2020, ngành dịch vụ giao thực phẩm tại nhà đã phát triển mạnh mẽ, với những ứng dụng như Uber Eats, Just Eat Takeaway và Deliveroo ghi nhận giá trị cổ phiếu tăng mạnh. Đây là giai đoạn mà hầu hết người dân trên thế giới đều phải ở trong nhà và gọi đồ ăn về nhà vì các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh. Dù vậy, năm 2021, khi nhiều người tin rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường, xu hướng đầu tư cho lĩnh vực này bắt đầu chậm lại.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định các thói quen đặt hàng của người tiêu dùng có thể đã thay đổi vĩnh viễn. Chuyên gia Alisha Kapur từ Similarweb, chuyên trang phân tích lưu lượng truy cập các trang web và tải về các ứng dụng, cho biết lưu lượng sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn không hề giảm ngay cả khi khách hàng đã có thể đi ăn ở ngoài nhiều hơn. Chuyên gia Kapur cho rằng hiếm khi xảy ra tình trạng một số lượng lớn khách hàng cùng thay đổi ứng dụng giao đồ ăn mà họ đã quen dùng, trong một số trường hợp ngoại lệ không đáng kể thì một số ứng dụng phổ biến nhất tiếp tục tăng thị phần.
Trong khi đó, một số ý kiến chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng hầu hết các công ty đều giảm doanh thu và nhu cầu điều chỉnh chiến lược hoạt động ngày càng tăng có nghĩa rằng thị trường này sắp bước vào giai đoạn hợp nhất. Sau thời gian tăng liên tục trong giai đoạn đại dịch hoành hành, đến nay, giá trị cổ phiếu của các công ty vận hành ứng dụng giao đồ ăn đã ổn định và nhiều công ty thậm chí ghi nhận giá trị cổ phiếu giảm trong năm nay.
Các chuyên gia này dẫn chứng, cổ phiếu của ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo (một phần thuộc Amazon) vẫn ghi nhận giá trị thấp hơn đáng kể so với mức 390 xu/cổ phiếu trong lần phát hành đầu tiên hồi tháng 3. Hay việc Just Eat Takeaway mua lại đối thủ GrubHub ở Mỹ với hợp đồng trị giá 7,3 tỷ USD hồi tháng 6 từng được đánh giá là bước đi khôn ngoan trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, sau khi thành phố New York đưa ra quy định mới, theo đó giới hạn "tiền hoa hồng" mà các ứng dụng nhận được từ các nhà hàng ở mức 15%, giá trị cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Hà Lan giảm mạnh. Biện pháp mới của New York được cho là có thể khiến doanh thu nửa sau năm 2021 của Just Eat Takeaway giảm 100 triệu euro (116 triệu USD). Cùng với đó, cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 20% trong năm nay khiến các cổ đông dài hạn của công ty kêu gọi bán bớt các tài sản và nghiên cứu các bước kết hợp chiến lược, đẩy công ty vào trung tâm của các cuộc thảo luận mua bán nhượng quyền và sáp nhập trong ngành.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định giao hàng tạp hóa được cho là lĩnh vực sẽ chứng kiến các hoạt động sáp nhập và mua lại sôi động trong thời gian tới. Deliveroo thời gian qua là công ty năng nổ nhất trong các hoạt động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chuỗi cửa hàng tạp hóa, với sự "chống lưng" của Amazon (cổ đông nắm giữ 12% cổ phần của Deliveroo). Uber cho biết dịch vụ giao đồ ăn của hãng sẽ nghiêng nhiều về mảng tạp hóa, dẫn chứng bằng thỏa thuận với các chuỗi Sainbury của Anh và Carrefour của Pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!