Việc sớm tắt sóng 2G tại Việt Nam là cần thiết

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/04/2022 16:22 GMT+7

VTV.vn - Thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh hiện được tội phạm mạng tiến hành chủ yếu qua sóng 2G. Ngoài ra, sóng 2G còn đang chiếm chỗ băng tần có thể dùng cho phát triển 5G, 6G.

Từ nhiều năm nay, những lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất phương án dừng phát sóng 2G từ năm 2023, thậm chí là ngay từ năm 2022. Lộ trình tắt sóng 2G đã rõ ràng, tuy vậy, cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa, từ đó tạo động lực cho chuyển đổi số quốc gia.

Không sử dụng hạ tầng mạng viễn thông, không sử dụng SIM rác, chỉ với các trạm thu phát sóng di động giả mạo, các đối tượng xấu hiện nay đã có thể phát tán tin nhắn rác với số lượng lên đến 80.000 tin/ngày/1 thiết bị. Số tin nhắn rác ước tính được phát tán lên tới 151 triệu tin/1 tháng nếu mỗi tỉnh có 1 trạm.

Theo ông Nguyễn Hữu Trung của Công ty Cổ phần An ninh mạng CyStack, bằng việc sử dụng các thiết bị này, kẻ tấn công sẽ thu thập được dữ liệu truyền từ nạn nhân đến nhà mạng, đọc trộm tin nhắn, có thể gửi tin nhắn giả mạo đến nạn nhân, thu thập thông tin về số điện thoại cũng như các dữ liệu di động khác của nạn nhân, thậm chí là thực hiện các tấn công từ chối dịch vụ.

Thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G. Do công nghệ này đã lỗi thời, tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng. Còn về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm chỗ băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 5G, 6G… Do đó, việc sớm tắt sóng 2G là cần thiết.

Tuy nhiên, muốn tắt sóng 2G đồng nghĩa với việc phải giảm số lượng người dùng sử dụng điện thoại 2G, thúc đẩy sử dụng smartphone và phát triển hạ tầng số

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra chiến lược về phát triển hạ tầng trong đó có triển khai 5G vào năm 2022, phủ sóng cơ bản năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ hướng tới phát triển chiến lược mỗi hộ gia đình có đường kết nối cáp quang và mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh".

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm đến nay, tổng số thuê bao smartphone được phát triển là trên 2 triệu thuê bao, từ hơn 91 triệu lên đến hơn 93 triệu. Tỷ lệ người sử dụng smartphone trong tổng số người sử dụng di động đạt 88%. Nếu chỉ còn 5% người dùng điện thoại 2G vào tháng 12 năm nay, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tắt sóng 2G.

Ngừng sản xuất, nhập khẩu điện thoại 2G - 3G từ tháng 7 Ngừng sản xuất, nhập khẩu điện thoại 2G - 3G từ tháng 7

VTV.vn - Từ 1/7, điện thoại sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ E-UTRA, tức công nghệ 4G.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước