Việt Nam cần làm gì để không lỡ "chuyến tàu" CMCN 4.0?

Thùy An-Thứ sáu, ngày 13/07/2018 17:10 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam cần làm gì để tận dụng những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 là câu hỏi lớn tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra vào hôm nay (13/7).

Trong bài báo cáo tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Việt Nam cần làm gì để không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0

Thời gian qua, hàng loạt các quốc gia đã đều xây dựng những chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình: Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Nhật Bản (Xã hội 5.0), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025), Thái Lan (Thailand 4.0)... Dù cách tiếp cận có thể khác nhau song một điểm chung trong chiến lược phát triển 4.0 của các quốc gia đều dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết CMCN 4.0 đang mang lại cơ hội về một nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistic thông minh... giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việt Nam cần làm gì để không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0? - Ảnh 2.

Dù cách tiếp cận có thể khác nhau song một điểm chung trong chiến lược phát triển 4.0 của các quốc gia đều dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để có thể không lỡ "chuyến tàu" cũng như tận dụng những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại Việt Nam cần thực hiện những giải pháp đồng bộ ở cả 4 trụ cột: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin; phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (KH&CN, ĐMST, Startups…).

Tại khía cạnh thể chế, chính sách, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Bên cạnh đó, cần triển khai các Regulatory Sandbox (khuôn khổ pháp lý thử nghiệm) để thử nghiệm việc triển khai chính sách, các mô hình quản lý, kinh doanh mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nhanh, mới như Fintech, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Việt Nam cần làm gì để không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0? - Ảnh 3.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới

Về vấn đề con người, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực phù hợp để tiếp cận Công nghiệp 4.0. Các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Để phát triển công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Việt Nam cần mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngõ ngách, đảm bảo kết nối cho toàn bộ các thành phần máy móc, thiết bị với dữ liệu, các quy trình, cũng như con người. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh những công nghệ mới như 5G. Cần có chính sách đặc biệt khuyến khích để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu trong nước. Hay chính sách thực sự thiết thực về tài chính để doanh nghiệp ứng dụng CNTT và đổi mới công nghệ.

Việt Nam cần làm gì để không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0? - Ảnh 4.

Mạng 5G được xem là một trong những yếu tố quan trọng của cuộc CMCN 4.0

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Việt Nam cần tiếp tục tạo ra những thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với các chính sách khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro. 

Đặc biệt đối với doanh nghiệp Nhà nước phải được cho phép coi đầu tư cho khoa học công nghệ như một khoản đầu tư lâu dài mà không yêu cầu thu hồi vốn trước mắt. 

Ngoài ra cần có các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực hấp thụ, phát triển công nghệ của doanh nghiệp; triển khai xây dựng trung tâm thử nghiệm để tiếp nhận, thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước