Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian?

Vấn đề hôm nay-Thứ ba, ngày 16/11/2021 07:16 GMT+7

VTV.vn - Loài người đã bước những bước tiến kỳ diệu sau 6 thập kỷ bước ra ngoài Trái Đất. Chinh phục không gian sẽ là cuộc đua khốc liệt của tương lai.

Trong kỷ nguyên công nghệ, chủ quyền quốc gia không chỉ là vùng đất, vùng biển, vùng trời, mà còn là chủ quyền trên không gian mạng và không gian vũ trụ. Vì vậy, sự kiện vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được phóng thành công vào vũ trụ sáng 9/11 từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura của Nhật Bản được dư luận hết sức quan tâm.

Đây không phải lần đầu vệ tinh viễn thám của Việt Nam được phóng vào vũ trụ nhưng NanoDragon là vệ tinh chế tạo 100% tại Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, thể hiện sự trưởng thành, sự chủ động của Việt Nam trên con đường từng bước làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.

Phóng thành công vệ tinh NanoDragon vào quỹ đạo

Theo cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), sáng 9/11, tên lửa Epsilon đã mang theo 9 vệ tinh, trong đó có 8 vệ tinh của Nhật Bản và 1 vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào quỹ đạo. Sau 1 tiếng 5 phút, vệ tinh đã tách khỏi tên lửa đẩy Epsilon và tiến vào quỹ đạo.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 2.

Thiết kế của vệ tinh NanoDragon (Ảnh: VNSC)

NanoDragon nặng khoảng 4 kg, được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ chính của vệ tinh là thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu biển, giám sát phương tiện trên biển, quản lý vùng biển…

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 3.

Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo của vệ tinh NanoDragon đều được thực hiện tại Việt Nam bởi các chuyên gia của Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Ảnh: VNSC)

Sau thời gian hoạt động từ 1 - 3 tháng trên vũ trụ, vệ tinh sẽ vận hành ổn định trên quỹ đạo ở độ cao 560 km. Ảnh chụp từ vệ tinh NanoDragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng Nano trên thế giới và phục vụ hoạt động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chiến lược vũ trụ Việt Nam đến năm 2030

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ "Made in Vietnam". Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh; chủ động giám sát các hoạt động biến đổi của thiên nhiên; cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông, định vị, dẫn đường, cảnh báo cho người dân; ứng dụng khinh khí cầu phát triển dịch vụ du lịch… là những trọng tâm khác của Chiến lược vũ trụ Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công nghệ vũ trụ là kết tinh của các công nghệ cao trên thế giới và luôn là cuộc chơi của những quốc gia dẫn dắt. Tuy không phải là một quốc gia đi đầu, kể cả về tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ, nhưng Việt Nam đã có những kết quả nghiên cứu và có thể phát triển một số sản phẩm của riêng mình. Cách đây 10 năm, ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam như một "mảnh đất trống" thì tới nay, những gì Việt Nam đã đạt được là cả một bước tiến đáng ghi nhận.

Ứng dụng công nghệ vũ trụ đem lại nhiều hiệu quả cho đời sống dân sinh. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nhờ công nghệ định vị vệ tinh GPRS, nhiều người có thể sử dụng bản đồ số giúp đi lại dễ dàng. Ngoài ra, ảnh chụp vệ tinh có thể giúp phát hiện sớm những khu rừng bị chặt phá bất hợp pháp để đưa ra cảnh báo.

Với vệ tinh MicroDragon phóng lên trước đó, các chuyên gia có thể theo dõi vùng biển ven bờ, định vị nguồn thủy sản, giúp theo dõi việc phát triển ngành thủy sản Việt Nam.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 4.

Vệ tinh MicroDragon đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon 4 vào tháng 1/2019 (Ảnh: VNSC)

Vào ngày 15/11, hội nghị trực tuyến "Giám sát nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam bằng dữ liệu vệ tinh viễn thám" được tổ chức. Những thay đổi mà các nhà khoa học quan sát được trong 5 năm qua bằng công nghệ vệ tinh viễn thám được công bố tại sự kiện. Những ví dụ như sản lượng lúa, diện tích lúa, vụ lúa, tình hình ngập lụt, xâm nhập mặn... đều được mô phỏng theo kịch bản biến đổi khí hậu, từ đó dự báo được sản lượng lúa của cả một vùng hay trên cả nước.

Những dấu mốc mới trong ngành công nghiệp vũ trụ

Nhìn ra thế giới, những tiến bộ trong công nghệ vũ trụ đang không chỉ giúp con người thu thập dữ liệu về trái đất mà còn giúp chúng ta khám phá nhiều hơn về vũ trụ bao la. Thời gian qua, thế giới ghi nhận nhiều cột mốc mới trong ngành công nghệ vũ trụ.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 5.

Nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship (Ảnh: SpaceX)

SpaceX, tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian của tỷ phú Elon Musk, đã chia sẻ những hình ảnh về tàu vũ trụ Starship, con tàu hứa hẹn sẽ đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2024. Nguyên mẫu Starship có lớp vỏ bằng thép sáng bóng với đường kính dài 9 m. Phiên bản chính thức sẽ mang theo một tên lửa khổng lồ có tên Super Heavy Rocket và có khả năng chở tới 100 hành khách.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 6.

Ý tưởng về khách sạn ngoài không gian Aurora Station (Ảnh: Orion Span)

Orion Span, một công ty khởi nghiệp của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, cũng đã giới thiệu dự án xây dựng một khách sạn sang trọng trong không gian có tên Aurora Station. Khách sạn có thể đón 6 hành khách/lần. Các hành khách có cơ hội ghé thăm khách sạn sẽ được chiêm ngưỡng 16 lần mặt trời mọc trong một ngày và cảm giác trôi nổi không trọng lực trong không gian.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 7.

Tàu thăm dò New Horizons (Ảnh: NASA)

Trước đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thiết lập kỷ lục khi tàu thăm dò New Horizons bay đến rìa của hệ Mặt Trời, nơi xa nhất trong vũ trụ mà con người từng khám phá.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua chinh phục không gian? - Ảnh 8.

Các hành khách trên chuyến bay vào không gian của tỷ phú Jeff Bezos (Ảnh: Blue Origin)

Tháng 9 vừa qua, chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên do một tỷ phú Mỹ tổ chức đã thành công tốt đẹp, sau khi đưa 4 hành khách ngao du ở độ cao hơn cả Trạm Vũ trụ quốc tế hay kính viễn vọng không gian Hubble trong 3 ngày.

Tháng 2 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng nhưng cũng đầy thách thức bởi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Song song với bài toán nguồn lực đầu tư, có lẽ cũng cần khơi dậy sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chủ quyền không gian, nhất là trong giới trẻ, để thu hút tinh hoa nhân lực vào lĩnh vực công nghệ, được xem là kết tinh cao nhất của các loại công nghệ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước