Mục đích của Chương trình là chọn lựa 30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam trong 2 lĩnh vực là Phần mềm đóng gói và BPO/outscourcing/offstore nhằm giới thiệu, quảng bá tới các khách hàng, đối tác tiềm năng tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Đây là lần đầu tiên một ngành kinh tế của Việt Nam tổ chức hoạt động giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu ra thế giới, nhưng ngay khi triển khai Chương trình 30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp CNTT trên toàn quốc.
Được biết, 30 doanh nghiệp trong Chương trình này trong năm 2013 sử dụng 15.000 lao động, đây là đội ngũ lao động trí thức có trình độ cao, tạo ra tổng doanh thu hơn 300 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động thành công tại các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, góp phần quan trọng nâng cao tên tuổi Việt Nam trong ngành CNTT thế giới, trong đó có việc đưa Việt Nam từ năm 2012 vượt qua Ấn Độ để trở thành đối tác lớn thứ 2 về gia công phần mềm của Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam là lựa chọn được ưa thích nhất trong hợp tác phần mềm của doanh nghiệp Nhật.
Một số doanh nghiệp phần mềm như FPT Software, TMA Solutions đã đạt quy mô nhân lực hàng đầu Đông Nam Á, trình độ công nghệ cao, là đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới (FPT Software: 101 triệu USD (2013), 6000 lao động; TMA Soltuions: 27 triệu USD (2013), 1.700 lao động,…).
Bên cạnh đó, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động trong những năm qua, nhưng nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách có tốc độ tăng trưởng bình quân ấn tượng. Trong vòng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp như NTT Data Việt Nam đạt mức tăng trưởng 81,6%, KMS Technologies: 77,6%. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thành công trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như IFI Solutions (cung cấp dịch vụ ITO và Offshoring cho khách hàng là các hãng hàng không lớn trên thế giới), MK Smart (dẫn đầu trong lĩnh vực thẻ thanh toán, có thị trường đã vươn đến châu Âu, châu Mỹ La-tinh và cả châu Phi).
Trong thị trường nội địa, các doanh nghiệp như CMC, Tinh Vân, CT-IN đều có sự phát triển ổn định, uy tín, cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong danh sách đều áp dụng những quy trình quản lý chất lượng quốc tế cao nhất như ISO 9001:2008, CMMI Level 5, ISO 27001:2005.
Ban tổ chức cho biết, Chương trình là một hoạt động hỗ trợ quảng bá các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ra với thế giới mà VINASA sẽ đầu tư duy trì, phát triển trong các năm tới. Từ kinh nghiệm tổ chức Chương trình năm nay chỉ giới hạn trong 2 lĩnh vực, VINASA trong các năm tiếp theo sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác như viễn thông, internet, nội dung số, sản xuất, phân phối thiết bị viễn thông,..