Những bộ óc kiệt xuất
Giải thưởng VinFuture đã bước sang mùa thứ 3 với uy tín và tầm vóc ngày càng được khẳng định với cộng đồng khoa học công nghệ toàn cầu, được công nhận sánh ngang với các Giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới.
Bắt đầu từ hôm nay (18/12), Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023 chính thức khởi động tại Hà Nội. Tuần lễ gồm 4 hoạt động chính: "Tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống"; "Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture"; "Lễ trao giải VinFuture"' và "Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture".
Khởi đầu chuỗi sự kiện là Tọa đàm "Khoa học Vì Cuộc sống", diễn ra trong hai ngày 18 - 19/12 với 4 phiên: "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại", "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn", "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh", "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức".
Khởi đầu chuỗi sự kiện là Tọa đàm "Khoa học Vì Cuộc sống", diễn ra trong hai ngày 18 - 19/12 với 4 phiên:"Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại", "Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn", "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh", "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức".
Tọa đàm quy tụ các diễn giả là các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Với nội dung về bán dẫn, VinFuture 2023 có sự tham dự của một gương mặt khoa học rất nổi tiếng là GS Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao Đại học Quốc gia Singapore.
Ông đóng vai trò quản lý, thúc đẩy và quyết định trong việc nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore. Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng về Hành chính công vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục kỹ thuật, quản lý khoa học và công nghệ cho quốc gia. Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ.
GS Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ
Tọa đàm bán dẫn cũng có sự tham dự của một diễn giả nổi tiếng khác là TS Sadasivan (Sadas) Shankar, Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Ông hiện giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học California Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ California.
Còn với nội dung về trí tuệ nhân tạo (AI), Chủ tọa của phiên chuyên đề về AI trong chuỗi sự kiện VinFuture là TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Xử lý ngôn ngữ. Trước đây, ông từng giữ vị trí Thành viên kỹ thuật và Giám đốc Công nghệ của Azure AI thuộc Microsoft.
Hay GS. Shimon Sakaguchi, Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu Miễn dịch Tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản). Ông nổi tiếng với việc phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs) và sử dụng trúng đích để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch của khối u cũng như điều trị các bệnh tự miễn và các bệnh viêm nhiễm khác trong môi trường lâm sàng...
"Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức" là một trong bốn phiên tại Tọa đàm "Khoa học Vì Cuộc sống" của VinFuture 2023
Chung sức toàn cầu, phụng sự cuộc sống
Năm nay, Giải thưởng VinFuture 2023 có chủ đề "Chung sức toàn cầu". Tinh thần này được thể hiện rõ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động cửa sự kiện. Bên cạnh chuỗi sự kiện Tọa đàm "Khoa học Vì Cuộc sống", tại VinFuture 2023, "Chuỗi Đối thoại Khám phá Tương lai VinFuture" lần đầu tiên được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.
Cụ thể, 9 tổ chức gồm các viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ tham gia thảo luận chuyên sâu với những nhà khoa học hàng đầu thế giới về "Công nghệ mới trong điều trị ung thư"; "Nông nghiệp hiện đại hướng tới phát thải ròng bằng "0"; "Công nghệ mới trong bảo vệ các bệnh truyền nhiễm và HIV cho phụ nữ trẻ"…
VinFuture 2023 có chủ đề "Chung sức toàn cầu"
Đặc biệt, các nghiên cứu, phát minh và sáng chế được lựa chọn xét giải cũng như được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture 2023 đều được dựa trên đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại. Các thách thức này bao gồm, nhưng không giới hạn, việc nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, loại bỏ nghèo đói, chấm dứt đói nghèo. Cùng với đó là tạo cơ hội tiếp cận giáo dục tiến bộ cho tất cả mọi người, cung cấp nước sạch, phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra sự bình đẳng và công bằng, thúc đẩy sản xuất và thương mại có trách nhiệm, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ban tổ chức, VinFuture 2023 đã nhận được gần 1.400 hồ sơ tham dự từ 90 quốc gia trên thế giới.
Cũng giống như 2 mùa đầu tiên, hạng mục giải thưởng VinFuture 2023 tiếp tục gồm: Giải thưởng chính và 03 giải đặc biệt. Trong đó, giải thưởng chính có giá trị 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) sẽ được trao cho tác giả có các nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai.
3 giải đặc biệt sẽ vinh danh nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; nhà khoa học nữ; nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Mỗi giải thưởng có giá trị 500.000 USD (khoảng 11,5 tỷ đồng).
Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ diễn ra vào tối ngày 20/12/2023 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Sự kiện Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, livestream trên Facebook và YouTube chính thức của Quỹ VinFuture, và trên kênh truyền thông quốc tế TechNode Global.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!