VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình

Phi Long-Thứ bảy, ngày 08/10/2022 06:01 GMT+7

VTV.vn - Ngày 7/10, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Xu hướng công nghệ kỹ thuật và chuyển đổi số trong ngành truyền hình".

Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp giúp các đơn vị sản xuất truyền hình bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, vượt qua khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.

Ngày Chuyển đổi số VTV

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Có thể thấy, chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây cũng hướng đi tất yếu của các đài truyền hình và đài PT-TH trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trên Internet và mạng xã hội.

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 1.

Ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - phát biểu tại sự kiện

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất, phát sóng mà đến nay, các bộ phận, vị trí công việc tại VTV đều đã hình thành thói quen tác nghiệp, thực hiện các nghiệp vụ trên các ứng dụng công nghệ thông tin do Đài THVN triển khai trong thời gian qua.

Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động và các kế hoạch, giải pháp triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng kỹ thuật mạng công nghệ thông tin qua từng năm nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kết nối, băng thông, phục vụ tốt cho việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ trong quản lý, điều hành và sản xuất chương trình.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - cho biết, hưởng ứng sức lan tỏa mạnh mẽ của hoạt động chuyển đổi số tại các Bộ, ban, ngành, địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam cũng lựa chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số VTV.

Mục tiêu chuyển đổi số của VTV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Theo xếp hạng đánh giá chuyển đổi số DTI, Đài Truyền hình Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu năm 2020 và vị trí thứ hai năm 2021 trong số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chia sẻ về chương trình chuyển đổi số của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Hoàng Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình, Đài THVN - cho biết, mục tiêu đến năm 2025, VTV đảm bảo giữ vững độ ảnh hưởng trên các nền tảng phân phối mới, mở rộng tập khán giả; đáp ứng nhu cầu tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc; xây dựng mối quan hệ, phát triển cộng đồng khán giả của Đài THVN trên đa nền tảng; tạo hệ sinh thái số của VTV dựa trên các trụ cột gồm: nội dung số, công nghệ và dữ liệu khán giả; có sự kết nối với các hệ sinh thái số của các đôn vụ công nghệ, viễn thông hàng đầu; tạo khả năng tiếp cận dễ dàng và hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ số cho người dân.

Đặc biệt, Đài THVN từng bước xây dựng VTVGo trở thành nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia (hệ thống OTT quốc gia). Mục tiêu là đến năm 2025, người xem VTVGo đạt tỷ lệ 25% người dùng Internet tại Việt Nam. VTVGo sẽ đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phân phối nội dung số của Đài THVN cũng như từng bước trở thành nền tảng OTT dùng chung cho các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình trên cả nước trong cung cấp dịch vụ xem truyền hình Internet nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu khán giả trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 2.

Ông Hoàng Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình, Đài THVN - chia sẻ về chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Đài Truyền hình Việt Nam

Theo tầm nhìn đến năm 2030, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ hoàn thành chuyển đổi số toàn diện, vận hành theo mô hình cơ quan số, triệt để ứng dụng công nghệ và sử dụng dữ liệu số trong mọi hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, phân phối và kinh doanh đa nền tảng; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, là đơn vị dẫn đầu ngành truyền hình về đổi mới sáng tạo, chiếm lĩnh cộng đồng rộng lớn; giữ vai trò thông tin chủ đạo, định hướng dư luận và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu đến năm 2030, người xem VTVGo đạt tỷ lệ 50% người dùng Internet tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hoàng Trung Kiên, có một số nhiệm vụ trọng tâm mà VTV cần thực hiện trong thời gian tới.

Đầu tiên, về nhiệm vụ chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, tác nghiệp, cần liên thông hệ thống phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp của Đài THVN với các hệ thống thuộc Chính phủ và các Bộ, ngành, gồm triển khai các dịch vụ kết nối liên thông, tích hợp các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia, chuẩn hóa chế độ thực hiện báo cáo, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ; kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, văn bản, công việc giữa các hệ thống quản lý điều hành nội bộ; ứng dụng triệt để chữ ký số; triển khai hệ thống thông tin thống kê báo cáo.

Về nhiệm vụ chuyển đổi số trong sản xuất, phân phối nội dung, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản xuất, lưu trữ tư liệu và phân phối nội dung đa nền tảng được tối ưu hóa theo nhu cầu của từng đơn vị và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất toàn Đài THVN; quản lý tài nguyên tập trung, quy trình công nghệ tự động, linh hoạt, liên kết giữa các bộ phận; quản lý thống nhất và trao đổi metadata thuận lợi; triển khai hệ thống bảo vệ bản quyền, kiểm duyệt các sản phẩm nội dung của Đài THVN cho cả âm thanh, hình ảnh, đồ họa, trên hạ tầng truyền thống và đặc biệt là trên hạ tầng số; đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu khán giả; triệt để ứng dụng công nghệ để quản lý, vận hành nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất nội dung, đảm bảo tốc độ và hiệu quả xuất bản tin bài; xây dựng mạng lưới tự động giám sát, đánh giá chất lượng nội dung, chỉ số về tương tác của khán giả, mức độ tác động và hiệu quả truyền thông, từ đó hướng tới các mô hình kiểm chứng thông tin, phát hiện lỗi sai tự động; triển khai các mô hình tòa soạn hội tụ, tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với môi trường phân phối nội dung trên đa nền tảng; chuẩn hóa, triển khai các dịch vụ dùng chung tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong Đài THVN.

Về nhiệm vụ chuyển đổi số trong kinh doanh, cần thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị kinh doanh đối với cả các hình thức kinh doanh truyền thống cũng như kinh doanh nội dung số; rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, cập nhật các chính sách, quy định, quy trình thực hiện để phù hợp với các nền tảng quản lý kinh doanh mới, các nghiệp vụ mới trên cơ sở ứng dụng các thành quả của chuyển đổi số; triển khai các mô hình quảng cáo mới, hợp đồng dịch vụ; triệt để khai thác các lợi thế của công nghệ trong việc cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành kinh doanh quảng cáo.

Mục tiêu mà VTV hướng tới là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong Đài THVN, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động của VTV; phát triển cơ quan số tại Đài THVN theo hướng ứng dụng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định; xây dựng chiến lược phát triển nội dung số gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số với 3 trụ cột gồm: nội dung, công nghệ và dữ liệu khán giả; tăng cường hiệu quả tuyên truyền, chất lượng các chương trình nội dung của Đài THVN trên đa nền tảng, giữ vững vai trò thông tin chủ đạo, định hướng dư luận và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hạ tàng đám mây thông minh cho truyền hình số

Tại sự kiện, đại diện của VNG đã mang tới một số giải pháp hỗ trợ phát triển truyền hình số. Không chỉ giúp các đài phát thanh - truyền hình giải quyết các thách thức trong công cuộc chuyển đổi số, những giải pháp này còn đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: trích xuất dữ liệu nhanh chóng nhờ tính năng Meta Data, không giới hạn số lượng Client truy cập đồng thời, phân quyền quản trị nhiều lớp, dễ dàng lưu trữ nhiều Object lớn cùng lúc, giảm thiểu chi phí đầu tư, mở rộng và vận hành, dễ dàng phân phối nội dung số đến End Users...

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 3.

Ông Trần Anh Nhân - Giám đốc Công nghệ và ông Vũ Thanh Tùng - Giám đốc Quản lý sản phẩm & giải pháp doanh nghiệp chia sẻ về các giải pháp của VNG

Bên cạnh đó, VNG Cloud còn giúp VTVCab và VTVGo lưu trữ, khai thác và phân phối nội dung phát sóng hiệu quả với dịch vụ lưu trữ dữ liệu số tối ưu vStorage, dịch vụ hạ tầng số thông minh vServer, dịch vụ phân bố nội dung số vCDN...

Sân chơi công bằng cho cuộc đua OTT

Trong nhiều năm qua, sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến OTT và mạng xã hội đã tác động không nhỏ tới các đài truyền hình, buộc họ phải chuyển đổi số.

Theo ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài THVN, những nền tảng này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu mà còn tác động trực tiếp tới độ lan tỏa và sức ảnh hưởng của các đài truyền hình. Do đó, trong kỷ nguyên của Internet, việc chuyển sang sử dụng OTT là chuyện tất yếu.

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 4.

Ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc VTV Digital - nói về sự cạnh tranh giữa các nền tảng OTT tại Việt Nam

Hiện nay, các nền tảng OTT trong nước đang phải đối đầu với những đối thủ mạnh là các nền tảng OTT xuyên biên giới với công nghệ tiên tiến hỗ trợ phía sau, phong phú về mặt nội dung và chưa bị kiểm soát bởi các chế tài.

Tuy nhiên, với Nghị định 71 mới được ban hành, các nền tảng OTT dù là trong nước hay xuyên biên giới đều phải tuân thủ chung các quy định. Thứ nhất là phải đăng ký cấp phép hoạt động kinh doanh, tuân thủ các nghĩa vụ tài chính và quy định hành chính tại Việt Nam. Thứ hai là nội dung phải được kiểm duyệt bao gồm cả các nội dung quảng cáo tương tự như các dịch vụ truyền hình trả tiền.

Nếu như ở Khoản 1 điều 4 Nghị định 06 trước đây, phạm vi quy định chỉ bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet thông qua các địa chỉ web thì nay, Nghị định 71 đã sửa đổi bổ sung "ứng dụng Internet". Điều đó có nghĩa là các ứng dụng di động OTT xuyên biên giới giờ đây không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn.

Nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo

Nằm trong Chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai 2 nền tảng: nền tảng truyền hình số quốc gia do Đài truyền hình Việt Nam làm đầu mối và nền tảng phát thanh số quốc gia do Đài Tiếng nói Việt Nam làm đầu mối.

Là ứng dụng xem truyền hình hoàn toàn miễn phí của Đài Truyền hình Việt Nam, VTVGo cho phép khán giả có thể xem truyền hình mọi nơi, mọi lúc, đa nền tảng. Đến nay, VTVGo đã được cập nhật phiên bản thứ tư với nhiều tính năng, trải nghiệm mới nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).

Theo ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc VTV Digital, nền tảng VTVGo đang ngày càng thông minh hơn, có thể tự động sắp xếp nội dung theo thói quen xem của người dùng. Hiện tại, VTVGo đang thử nghiệm làm giàu Metadata bằng kỹ thuật nhận dạng hình ảnh sử dụng công nghệ AI. Mục tiêu mà VTVGo hướng tới là khi hai người dùng khác nhau mở ứng dụng ra sẽ thấy hai giao diện với các nội dung khác nhau.

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 5.

VTVGo liên tục được cập nhật và ngày càng thông minh hơn

Hiện tại, ứng dụng VTVGo đã có khoảng 30 triệu lượt cài đặt, đáp ứng yêu cầu cao về nội dung, hạ tầng ổn định và độ phủ của người dùng. Trong thời gian tới, nền tảng này sẽ tích hợp nội dung của tất cả các đài phát thanh - truyền hình trên cả nước, giúp họ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, giảm chi phí đầu tư, hướng tới mục tiêu của Chính phủ là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, VTV sẽ xây dựng một hệ sinh thái với ứng dụng VTVGo làm cốt lõi, cho phép tích hợp các nội dung số của các đài địa phương và các kênh truyền hình trên cả nước, thiết lập một hệ thống dữ liệu lớn, cho phép chia sẻ, lưu trữ nội dung, trên cơ sở các bên đều có lợi.

"VTV mong muốn cung cấp các nội dung phong phú, đa dạng, sáng tạo và khác biệt trên nền tảng của VTVGo. Sự phong phú, đa dạng ở đây không chỉ đến từ các nội dung của VTV mà còn của các đài địa phương, các kênh truyền hình khác. Với nền tảng quốc gia thì VTV sẽ tổ chức để các đài phát thanh truyền hình địa phương cũng như các kênh truyền hình khác được kinh doanh tham gia chia sẻ quyền lợi trên hệ thống đó" - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.

VTV với chiến lược chuyển đổi số trong ngành truyền hình - Ảnh 6.

Dự kiến lộ trình các đài tham gia nền tảng truyền hình số quốc gia

Ông Phạm Anh Chiến cho biết, dự kiến đến tháng 1/2023 sẽ có khoảng 5 - 10 đài tham gia nền tảng truyền hình số quốc gia và đến tháng 4/2023 sẽ mở rộng thêm 20 - 25 đài.

Khi VTV “chạm” tới khán giả số Khi VTV “chạm” tới khán giả số

VTV.vn - Liên tục đổi mới để thích ứng nhu cầu của các khán giả số, thời gian qua, VTV đã có những bước chuyển mình trên nền tảng số để tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước