Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Khó xử lý triệt để SIM rác
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 4/11, đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu) cho biết, việc lợi dụng SIM rác để tạo các tài khoản giả đăng tải những nội dung thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước và sử dụng vào các mục đích sai phạm khác. Điều này gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của giới trẻ.
"Đến bao giờ môi trường mạng ở Việt Nam mới thật sự được quản lý chặt chẽ để môi trường mạng thật sự trở thành môi trường sạch?" - ĐBQH tỉnh Lai Châu chất vấn.
Đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu)
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khó có thể xử lý triệt để SIM rác nhưng sẽ phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được.
Bộ trưởng khẳng định, hiện tất cả các sim không có đủ thông tin sẽ bị cắt ngay. Bên cạnh đó, việc thông tin SIM đúng chưa thì sẽ rà soát vào cuối năm nay và đầu năm sau. Về việc sim chính chủ chưa, Bộ trưởng đã nêu một số ví dụ những cá nhân sở hữu hàng trăm, hàng nghìn sim.
"Chúng tôi sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan chuyện một người nhiều sim. Chúng ta ra luật về một người có thể có nhiều sim nhưng luật rất rõ là chỉ được đăng ký thay cho con nếu con dưới 14 tuổi và đăng ký người mình giám hộ. Ngoài ra là không đúng pháp luật" – ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ và khẳng định nếu làm được những việc trên thì sẽ giải quyết cơ bản vấn đề SIM rác.
Tranh luận tiếp về vấn nạn SIM rác, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, vấn đề này cũng đã được chất vấn tại Quốc hội khóa XIV nhưng đến hôm nay vẫn còn tình trạng SIM rác chưa xử lý được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao tới giờ phút này vẫn còn tình trạng SIM rác.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ông đã nhận trách nhiệm về vấn đề này cách đây 3 năm. Khi đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời là một trong những biện pháp quan trọng để giải quyết SIM rác một cách căn bản.
Trước khi cơ sở dữ liệu này đưa vào khai thác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất quyết liệt, loại 22 triệu sim thông tin không đầy đủ trong gần 3 năm. Điều này cần ghi nhận cố gắng của các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng ta cũng đã thanh tra toàn diện và có công văn nhắc nhở cụ thể, quy định về xem xét trách nhiệm của các Chủ tịch, Tổng Giám đốc doanh nghiệp viễn thông.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời có thể tổ chức đối soát thông tin. Tuy nhiên lại đang nảy sinh về câu chuyện sim chính chủ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, việc xử lý SIM rác còn chậm, còn tồn tại khiến người dân còn bức xúc. Bộ trưởng trực tiếp nhận trách nhiệm về việc này và sẽ tiếp tục cố gắng.
Mỗi tháng có 30.000 phản ánh về cuộc gọi rác, khủng bố qua điện thoại
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Lê Thị Song An (tỉnh Long An) cho biết, gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.
Quang cảnh phiên chất vấn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để xử lý một cách căn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý SIM rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Cũng tại phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) nêu lên vấn đề khủng bố qua điện thoại, có cả tin nhắn và điện thoại trực tiếp liên quan đến đời nợ thuê, quảng cáo còn khá là phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giai đoạn 2021-2022 có tới 30.000 phản ánh mỗi tháng của người dân liên quan đến cuộc gọi rác, tin nhắn rác, khủng bố qua điện thoại.
Trong đó, tin nhắn rác đã bắt đầu chùng xuống nhờ áp dụng tốt công nghệ, mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác. Số mẫu tin nhắn rác để các nhà mạng chặn lọc lên tới 400.000.
Tuy nhiên, đang nổi lên câu chuyện cuộc gọi rác và theo Bộ trưởng, đây là vấn nạn toàn cầu. Tại Mỹ, Brazil, số lượng cuộc gọi rác gấp 3 lần Việt Nam.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai giải pháp cung cấp số điện thoại đầu mối để người dân phản ánh. Về công nghệ, Bộ cũng phối hợp các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện để chủ động ngăn chặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!