Theo tờ Thời
báo New York, Yahoo đã chấp thuận yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và
Cơ quan An ninh quốc gia tiến hành quét tất cả các hộp thư đến và file đính kèm
của người dùng nhằm tìm kiếm chữ kỹ điện tử hoặc mật mã đặc biệt của các phần tử
khủng bố nước ngoài. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ.
Năm
ngoái, Apple cũng từng được FBI yêu cầu phối hợp mở khóa một chiếc điện thoại
Iphone của một đối tượng trong vụ xả súng tại San Bernardino nhưng Apple đã từ
chối. Vậy tại sao lần này Yahoo lại không chọn cách đứng về phía khách hàng như
Apple đã làm?
Thông tin trên tờ New York Times khiến hàng triệu người dùng phẫn nộ
"Yahoo là một
công ty chịu sự ràng buộc của pháp luật và phải tuân thủ pháp luật Mỹ" là lý do
Yahoo đưa ra, được hãng thông tấn Reuters và nhiều báo khác trích dẫn.
Luật Mỹ quy định, các
cơ quan tình báo có thể yêu cầu các công ty viễn thông và Internet cung cấp dữ
liệu về khách hàng nhằm hỗ trợ quá trình thu thập thông tin tình báo về các đối
tượng nước ngoài, trong đó có các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, các công ty có
quyền đưa ra lý do để từ chối.
Tờ Bưu điện
Washington thì lý giải, Yahoo có cái khó riêng và phải chịu sức ép rất lớn từ
Tòa Giám sát Tình báo nước ngoài. Thậm chí, Yahoo từng bị dọa phạt 250.000
USD/ngày nếu không tuân thủ.
Vụ việc của
Yahoo một lần nữa làm nóng trở lại cuộc tranh cãi về quan hệ giữa vấn đề an
ninh và đảm bảo quyền riêng tư. Dư luận thì lo ngại liệu các công ty công nghệ khác
có nối gót Yahoo đặt lợi ích an ninh lên trên quyền lợi của khách hàng hay
không?
Tờ USA Today cho biết: Verizon, đối tác vừa quyết định mua lại Yahoo hồi tháng 7 vì cuộc khủng hoảng này
Trước câu hỏi này, ngay lập tức,
các ông lớn về công nghệ đã lên tiếng trấn an khách hàng. Google, tập đoàn sở hữu dịch vụ
Gmail khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi chưa bao giờ nhận được yêu cầu
nào như thế. Mà dù có được yêu cầu thì câu trả lời của chúng tôi cũng rất đơn
giản là: không bao giờ". Đó cũng là khẳng định chung của Microsoft và
Apple.
Tờ USA Today cho biết thêm, Verizon, đối
tác vừa quyết định mua lại Yahoo hồi tháng 7, với giá 4,8 tỷ USD, đã yêu cầu
Yahoo giảm 1 tỷ USD giá trị hợp đồng.
Thậm chí, Verizon còn cân nhắc việc rút lại
hợp đồng với Yahoo. Tuy nhiên cái giá mà Yahoo phải trả không chỉ dừng lại ở
thiệt hại về kinh tế. Lớn hơn là sự sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của khách
hàng mà chưa biết đến bao giờ mới lấy lại được.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của ĐàiTruyền hình Việt Nam tại TV Online!