Anh Vinh là cư dân của chung cư JSC 34, đường Lê Văn Lương, quậnThanh Xuân, Hà Nội từ những ngày đầu tiên. Vừa là cư dân, vừa là doanh nghiệp có văn phòng đặt tại tòa nhà này, điều khiến anh băn khoăn và thất vọng nhất chính là chất lượng dịch vụ viễn thông trong tòa nhà, từ điện thoại cố định cho tới internet, điều mà khi mua nhà, anh cũng như những người khác, ít khi để ý tới vì hầu hết đều tin tưởng vào lời cam kết của chủ đầu tư là “có đầy đủ dịch vụ”.
Anh Lưu Ngọc Vinh cho biết: "Chất lượng dịch vụ viễn thông kém đã trở thành một câu chuyện phổ biến ở rất nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay và có sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau, không phải chỉ EVN, Viettel...".
Còn anh Nguyễn Hòa Bình, Công ty phần mềm PeaceSoft - Tòa nhà 17T10, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội thì bức xúc: "Chất lượng dịch vụ kém là điều dễ hiểu khi cơ chế “độc quyền” được xác lập tại các chung cư vào lúc chủ đầu tư ký hợp đồng với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Từ thời điểm đó, người dân ở đây coi như đã bị tước đi quyền được lựa chọn dịch vụ, quyền được đáp ứng nhu cầu tối thiểu một cách tốt nhất. Nếu muốn lựa chọn, người dân chung cư chỉ còn cách duy nhất: chuyển nhà đi nơi khác".
Nhưng ông Dương Quang Tuấn, Phó Ban Quản lý tòa nhà JSC 34, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 34 thì lại có quan điểm như sau: "Dịch vụ không đảm bảo về chất lượng thì cũng chưa thấy có người dân nào có kiến nghị gì".
Xung đột xảy ra giữa các nhà cung cấp dịch vụ, nói cách khác, chính là xung đột quyền lợi giữa chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu các chủ đầu tư chung cư hiện nay vẫn còn cơ chế “hợp đồng độc quyền” với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thì khó có thể nói đến việc cải thiện quyền lợi cho các cư dân chung cư trong thời gian tới.