Ngày mai (27/7) là ngày cả nước tưởng nhớ và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ngày để chúng ta nhớ về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời hôm nay đã dành thời lượng để Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải đáp thắc mắc liên quan đến việc thực hiện các chính sách với những người có công.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã nhận lời tham gia chương trình hôm nay. Thưa Bộ trưởng, xin bắt đầu với một câu hỏi của một vị khán giả: "Tôi có một người anh cả đã viết huyết tâm thư để vào chiến đấu trong chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị những năm 1971, 1972. Anh tôi đã bị tương trong một trận đánh tại Khe Sanh, được đưa về chữa trị và hy sinh tại Quảng Trị nhưng đến nay chưa tìm thấy mộ phần. Tôi đã đến Cục Người có công tìm hiểu nhưng thời điểm đó trong danh sách mộ liệt sĩ lưu tại Cục lại không có tên phần mộ liệt sĩ Vũ Anh Cường, quê quán ở Lạch Tray, quận Lê Chân, TP Hải Phòng là anh tôi. Xin hỏi, trường hợp anh tôi có giấy chứng tử, có bằng Tổ quốc ghi công, sao không có danh sách mộ liệt sĩ ở Cục Người có công và công tác quy tập mộ liệt sĩ ở thời điểm này có những cải tiến như thế nào để những gia đình như gia đình tôi tìm thấy phần mộ của người thân?".
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trước tiên, nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ, cho tôi gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình người có công và bản thân người có công lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc. Việc quản lý hồ sơ những người có công, trong đó có gia đình liệt sĩ là do Cục Người có công của Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý. Trên 1 triệu liệt sĩ đó đều có hồ sơ quản lý và trường hợp như bạn hỏi, chúng tôi đã cho xem xét và biết rằng hiện nay có 8 liệt sĩ tên Vũ Đình Cường. Trong 8 liệt sĩ đó có 1 liệt sĩ quê ở Nam Đinh – Hà Nam Ninh, 2 liệt sĩ quê Hải Phòng, trong đó có 1 liệt sĩ ở phường Lạch Tray. Vì vậy, gia đình nên đối chiếu lại với Cục Người có công khi có số bằng Tổ quốc ghi công cụ thể. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những trường hợp mà gia đình các liệt sĩ đang quan tâm.
PV: Những hoạt động xác định danh tính của các liệt sĩ đến thời điểm này đã có những cải thiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đảng và Nhà nước đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án "Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ" và đến nay chúng tôi đã lập được danh sách hơn 8.000 liệt sĩ cần xác định danh tính. Chúng tôi đã lấy mẫu ADN của những trường hợp này gửi tới các viện phân tích của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam để so sánh với ADN của thân nhân các liệt sĩ. Bước đầu đã có một số trường hợp xác định được danh tính để trao trả hài cốt cho thân nhân các liệt sĩ. Mới đây, Chính phủ đã cho nâng cấp công nghệ ở các viện phân tích nói trên để sớm hoàn thành quy trình xác định danh tính cho các liệt sĩ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!